Từ cuối năm 2014 đến năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Thể dục-Thể thao đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 1 tại quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) để tập trung các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia của khu vực Tây Nam Bộ tập huấn nhằm bổ sung nhân lực cho các đội tuyển quốc gia trong tương lai...
Cơ sở vật chất còn thiếu thốn
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất tiềm năng để phát triển thể thao thành tích cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, năm nay, trung tâm được giao tập trung 4 đội chuẩn bị dự SEA Games 32, gồm: Bơi, cử tạ, điền kinh và bóng chuyền bãi biển. Mục tiêu của trung tâm là giành 10 Huy chương vàng tại kỳ SEA Games sắp tới. Lãnh đạo trung tâm tạo mọi điều kiện để các đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 32 và Asian Games 19.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất đang trở thành bài toán nan giải của trung tâm. Hiện, trung tâm chưa có bể bơi, phải thuê bên ngoài để đội tuyển tập luyện. Với môn điền kinh, hiện chưa có sân bãi tập luyện hai nội dung ném đĩa và đẩy tạ, vì thế các vận động viên phải tập nhờ ở Vĩnh Long... Trong năm nay, trung tâm triển khai dự án đầu tư xây dựng hai bể bơi và khu ký túc xá cho vận động viên trọng điểm. Hy vọng, thời gian tới, các vận động viên tại trung tâm sẽ có điều kiện tập luyện, ăn nghỉ tốt hơn.
Theo ông Phạm Bá Chung, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng chuyền bãi biển nữ quốc gia, ở trung tâm, điều kiện sinh hoạt tương đối tốt nhưng điều kiện tập luyện vẫn còn nhiều hạn chế. “Đội tuyển chúng tôi bắt đầu tập luyện ở Cần Thơ từ năm 2019. Hiện, sân tập không được tốt, điều kiện về gió chưa giống ngoài bãi biển, cát cũng chưa đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập luyện kỹ thuật, chiến thuật là chính. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đội tuyển thiếu đối tượng tập huấn. Thời gian tới, hy vọng sẽ triển khai được các tour đấu ở nhiều nơi để vận động viên cọ xát nhiều hơn”, Huấn luyện viên Phạm Bá Chung chia sẻ.
Mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng các vận động viên vẫn đang luyện tập rất hăng say. Theo một số vận động viên tham dự SEA Games 32 sắp tới, việc tập luyện vẫn được bảo đảm, chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất không ngăn nổi họ nỗ lực tập luyện hết mình, tất cả vì mục tiêu mang về những tấm huy chương thể thao cho quốc gia.
Thiếu chuyên gia y học thể thao
Thời gian vừa qua, Trần Hưng Nguyên, vận động viên bơi lội đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ bị đau dai dẳng ở bả vai. Sau khi đi khám tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Nguyên được chỉ định phải phẫu thuật.
Trần Hưng Nguyên được coi là “thần đồng bơi lội” của Việt Nam. Tại SEA Games 30 diễn ra năm 2019, Nguyên giành Huy chương vàng nội dung 200m hỗn hợp nam khi mới 16 tuổi. SEA Games 31 vừa qua, Hưng Nguyên giành 4 Huy chương vàng (3 cá nhân, 1 tiếp sức). Đây là một trong những niềm hy vọng “vàng” cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games sắp tới. Bởi vậy, việc xem xét, đánh giá xem Hưng Nguyên sẽ phẫu thuật trước hay sau khi tham dự SEA Games khiến các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Có mặt tại buổi kiểm tra, PGS, TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, không giấu được sự lo âu. Theo ông Kha, một trong những lý do dẫn đến tình trạng hiện tại là do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ không có bác sĩ, chuyên gia y học thể thao để thường xuyên phối hợp huấn luyện viên kiểm soát lượng vận động, kế hoạch, chương trình huấn luyện, khiến vận động viên luyện tập quá mức. Nếu điều kiện y tế, kỹ thuật tốt hơn, vận động viên được đánh giá, điều chỉnh thường xuyên khối lượng tập luyện thì sẽ hạn chế sự việc tương tự.
Theo bà Bạch Mai Ly, Trưởng phòng Khoa học và Y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ), hiện, trung tâm đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực y tế để phục vụ vận động viên. Thiếu kỹ thuật viên, việc xoa bóp và phục hồi cho vận động viên chủ yếu sử dụng máy móc, hiệu quả không cao, vận động viên không được chăm sóc kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, cho biết thêm, hiện trung tâm chưa có bác sĩ thể thao, đội ngũ y tế chỉ có một y sĩ nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu lĩnh vực này. Mặc dù đã đăng thông báo tuyển dụng, nhưng vì thu nhập thấp nên không có ai mặn mà đến trung tâm làm việc. “Trung tâm thiếu trang thiết bị vật lý trị liệu cũng như hồi phục chức năng cho vận động viên, vì vậy, sau buổi tập, các em chủ yếu tự thả lỏng theo hướng dẫn của huấn luyện viên. Nếu vận động viên bị chấn thương, trung tâm phải phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh tại Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Thể thao Việt Nam để điều trị”, ông Long chia sẻ.
Theo PGS, TS Võ Tường Kha, về y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ hạn chế nhất trong bốn trung tâm của cả nước. Vận động viên thường có nguy cơ chấn thương cao, nên rất cần bác sĩ tầm soát. Một số bệnh tiềm ẩn, khi tập luyện quá sức mới bộc lộ. Vì vậy, việc có bác sĩ, chuyên gia y học thể thao trực tiếp làm việc thường trực tại trung tâm là hết sức quan trọng.
Hiện, Bệnh viện Thể thao Việt Nam thường tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, phục hồi thể lực cho các trung tâm huấn luyện; hợp tác liên kết với bệnh viện khu vực để xử lý ban đầu các bệnh lý đơn giản; thiết lập mạng lưới y học thể thao quốc gia đào tạo nhân lực y học thể thao... Hy vọng, thời gian tới, các biện pháp được triển khai đồng bộ sẽ phần nào giải quyết hạn chế về việc thiếu chuyên gia, bác sĩ y học thể thao cho các trung tâm huấn luyện.