Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, thành phố cần tháo gỡ những khó khăn, thách thức, nhất là về nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số… để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng nền hành chính công
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… để nâng cao chất lượng nền hành chính công. Cụ thể, thành phố đã đưa vào các nền tảng số quan trọng như Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Dashboard tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội… Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố có nhiều mô hình, ý tưởng về các giải pháp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Riêng Quận 1 đã phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính trên địa bàn toàn quận, và có hơn 190 mô hình, giải pháp, sáng kiến theo lĩnh vực đạt yêu cầu và được ghi nhận, trong đó một số mô hình, giải pháp được ứng dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng nền hành chính công.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đưa vào hoạt động Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường với nhiều phòng phân tích dữ liệu chuyên ngành, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại. Trung tâm có chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ về quan trắc, giám sát, đánh giá, điều tra về tài nguyên và môi trường. Qua công tác thu thập dữ liệu, đơn vị này sẽ đưa ra cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường, phục vụ việc quản lý, đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân…
Hiện nay, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường ở thành phố bao gồm hệ thống quan trắc chất lượng không khí, chất lượng môi trường nước và nhiều chương trình khác như quan trắc mức độ lún mặt đất, chất lượng nước ven bờ, thủy văn... Với mạng lưới quan trắc này, các dữ liệu liên quan đến tài nguyên và môi trường sẽ được chia sẻ đến các đơn vị, ban, ngành của thành phố để cung cấp thông tin công khai cho doanh nghiệp, người dân. Quan trọng hơn, trên cơ sở này, thành phố đưa ra chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội để phục vụ đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cùng với đó, cung cấp thông tin cho người dân qua Cổng dịch vụ công thành phố, Hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai, nâng cấp hệ thống tổng đài 1022 thành Cổng thông tin hợp nhất đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của thành phố…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, tại nhiều đơn vị hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính một cửa chưa được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố và dữ liệu dùng chung của quốc gia, gây mất thời gian trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, người dân. Thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở hạ tầng số chưa được đầu tư đồng bộ…
Đưa AI phục vụ nền hành chính công
Theo lãnh đạo thành phố Thủ Ðức, tương lai gần, địa phương này sẽ phát triển trở thành "hạt nhân" sáng tạo, hình thành một "cực" tăng trưởng mới, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Do đó, việc xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực hành chính công được Thủ Ðức đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, Thủ Ðức tập trung triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lưu trữ, tập hợp hóa các văn bản quy phạm pháp luật, giúp việc tra cứu văn bản pháp luật được thực hiện một cách dễ dàng hơn, có hệ thống, tiết kiệm được nhiều thời gian trong quá trình xử lý công việc. Cùng với đó, sử dụng trí tuệ nhân tạo triển khai định danh khách hàng điện tử trong cải cách thủ tục hành chính-tiếp nhận hồ sơ và công tác tiếp công dân; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp dịch vụ công tại thành phố Thủ Ðức, trong điều hành giao thông, trong quản lý quy hoạch đô thị, xử lý hồ sơ hành chính nhà đất… Ðây là các giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý hành chính nhà nước, giúp Thủ Ðức nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính là vấn đề cấp thiết trong phát triển chính quyền số hiện nay, nhằm tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế cho thành phố trong thời gian tới. Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đề ra đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Ðồng thời vạch ra các chỉ tiêu cụ thể như 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng…
Ðể thực hiện mục tiêu này, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh cần tái cấu trúc quy trình giải quyết hồ sơ hành chính, nâng cao trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ công trực tuyến. Thực thi hiệu quả chiến lược dữ liệu của thành phố và huy động tối đa các nguồn lực, gồm nguồn lực công và tư để thực hiện chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo vào việc triển khai các quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố cần hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đầu tư phát triển nguồn nhân lực - nhân tố quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công nâng cao chất lượng nền hành chính công...