Hướng đến cung cấp sản phẩm cho thị trường các nước Hồi giáo

Tỉnh Tây Ninh cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư tại đây đang nỗ lực hướng đến cung cấp sản phẩm cho thị trường các nước Hồi giáo theo tiêu chuẩn Halal bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng.
0:00 / 0:00
0:00
Ðiểm trình diễn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ ở tỉnh Tây Ninh.
Ðiểm trình diễn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ ở tỉnh Tây Ninh.

Tuy không có tiêu chuẩn Halal thống nhất trên thế giới, nhưng nhiều quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn của các quốc gia khác.

Tương tự, nhiều tổ chức chứng nhận Halal cấp chứng chỉ Halal dựa trên tiêu chí của họ và tiêu chí này có thể không khớp với tiêu chí do các tổ chức chứng nhận khác cấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các yêu cầu chung của thực phẩm Halal có nguồn gốc động vật được chấp nhận bao gồm gia súc, cừu, dê, trâu, hươu và lạc đà, gà, gà tây, chim bồ câu, đà điểu, ngỗng, thiên nga, vịt và các loài gia cầm tương tự đều được chấp nhận.

Gia súc, gia cầm được chấp nhận phải còn sống và khỏe mạnh tại thời điểm giết mổ. Các loài động vật không được chấp nhận bao gồm lợn, các loại thú dữ hoặc chim săn mồi có móng vuốt, răng nanh, ngà như sư tử, chó sói, chó, mèo, hổ, chó rừng, khỉ, voi, chim ưng,... (các sản phẩm có nguồn gốc từ những loại động vật này cũng không được chấp nhận).

Ngoài ra, còn yêu cầu về người giết mổ và người giám sát phải là những người Hồi giáo khỏe mạnh, hiểu rõ các quy tắc và điều kiện giết mổ theo đạo Hồi. Họ phải được đào tạo về thực hành giết mổ Halal và được tổ chức chứng nhận phê duyệt. Các doanh nghiệp cần tuyển dụng đủ số lượng người Hồi giáo làm công tác giết mổ và giám sát tại các lò mổ và nhà máy chế biến thịt… Ngoài ra, còn có nhiều yêu cầu về dụng cụ sử dụng, đóng gói và dán nhãn, đánh dấu và truy xuất đúng cách, lưu trữ vận chuyển và phải được thanh tra Hồi giáo kiểm tra và phê duyệt.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận Vùng An toàn dịch bệnh Tây Ninh. Nhân sự kiện này, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã công bố bảy dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Ðây thật sự là hướng đi mới cho Tây Ninh, một địa phương lấy sản xuất nông nghiệp làm chủ đạo và đang phát triển rất mạnh theo tiêu chí "xanh, sạch, bền vững".

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, hiện tại đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và sáu cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết: Ðể phục vụ thị trường xuất khẩu, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Ðồng, Tây Ninh, Long An và Công ty trách nhiệm hữu hạn De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, giai đoạn 2023-2028. Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal. Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm nguồn cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp ở một số quốc gia đang sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal.

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Ðề án tạo hướng đi mới, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng và có quy mô lớn. Mới nhất, tại Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn De Heus công bố về việc xuất hàng sang thị trường Halal.

Theo đó, hai tập đoàn cùng các thành viên sẽ xây dựng chuỗi liên kết De Heus-Hùng Nhơn. Trong chuỗi liên kết này, hai "đầu tàu" là De Heus và Hùng Nhơn cùng hệ thống liên kết chuỗi, bao gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN, đây cũng là hướng đi đang được các tập đoàn toàn cầu theo đuổi, đó là mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". Dự kiến, mô hình này sẽ đạt doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2030.