Hướng dẫn mới về Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7

NDO -

Theo Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7, người không có nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú.

Công an huyện Châu Thành (Kiên Giang) thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân (Ảnh: Quốc Tiến).
Công an huyện Châu Thành (Kiên Giang) thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân (Ảnh: Quốc Tiến).

Người không có nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú

Ngày 29-6, Chính phủ ban ban hành Nghị định 62/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú (sau đây gọi tắt là Nghị định 62/2021) có hiệu lực từ ngày 1/7.

Văn bản này quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú với sáu nội dung.

Trong đó, đáng quan tâm là nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú và tạm trú và Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Cụ thể, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trí thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.

Bên cạnh đó, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép xây dựng; Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế…

Các thông tin có thể tra cứu trong cơ sở dữ liệu về cư trú

Cũng theo Nghị định 62/2021, công dân được cung cấp, trao đổi thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú từ các nguồn sau: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác được chia sẻ với Cơ sở dữ liệu về cư trú; Giấy tờ, tài liệu, sổ sách về đăng ký, quản lý cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, hồ sơ đăng ký, quản lý cư trú, tàng thư căn cước công dân, giấy tờ hộ tịch.

Văn bản cũng quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân gồm 32 nội dung. Trong đó, có nhiều nội dung cụ thể như: Số hồ sơ cư trú; Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân); Nhóm máu…

Nghị định 62/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 và thay thế Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014.