Hungary đề xuất giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine

Ngày 6/3, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố, các giải pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine không phát huy hiệu quả và cuộc xung đột này chỉ có thể chấm dứt thông qua một lệnh ngừng bắn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại Phiên họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 23/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại Phiên họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 23/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo Bộ trưởng Szijjarto, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga không mang lại hiệu quả chấm dứt xung đột mà còn đang gây tổn hại cho chính liên minh này.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về các quốc gia kém phát triển nhất được tổ chức tại Doha (Qatar), Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, Ankara đang nỗ lực tìm cách gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen. Bộ trưởng Cavusoglu cho biết, ông đã thảo luận với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về các nỗ lực nhằm giúp thỏa thuận được gia hạn.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Ðen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Thỏa thuận này được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới nếu không tiếp tục được kéo dài. Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga.

Ðầu tháng 3/2023, Nga thông báo sẽ chỉ nhất trí gia hạn thỏa thuận ngũ cốc nếu lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp Nga được tính đến. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, xuất khẩu nông sản của Nga vẫn bị cản trở trong khi các lô phân bón miễn phí, trong đó có lô dành cho châu Phi, cũng bị phong tỏa tại các cảng ở châu Âu, tuy nhiên phía EU đã phủ nhận điều này.