Hưng Yên - điểm sáng thu hút đầu tư

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng xúc tiến thương mại… trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Phố Nối A có 220 dự án đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23.000 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ USD.
Khu công nghiệp Phố Nối A có 220 dự án đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23.000 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ USD.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Văn cho biết: Năm 2023, công tác xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư của tỉnh Hưng Yên đạt nhiều thành quả khá ấn tượng. Tại các cuộc xúc tiến thương mại ở Mỹ và Nhật Bản, các tập đoàn lớn rất quan tâm, nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh Hưng Yên có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, chuyển đổi số… Trong đó, Tập đoàn Sumitomo cam kết tiếp tục đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II trên địa bàn tỉnh thêm khoảng 391 ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết thêm, Hưng Yên có nhiều ưu thế: vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; môi trường đầu tư thuận lợi, có nhiều khu công nghiệp được Thủ tướng chấp thuận quy hoạch; nhân lực dồi dào, có tay nghề…; nhất là có quỹ đất sạch được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt đáp ứng cho các nhà đầu tư lớn; có hệ thống giao thông hiện đại giúp việc đi lại lưu thông hàng hóa đến các đô thị lớn và cảng biển, sân bay, cửa khẩu rất thuận lợi.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp với diện tích hơn 4.395 ha tại tỉnh. Hiện có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định và thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hiệu quả, gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối, Khu công nghiệp Thăng Long II, Khu công nghiệp Minh Ðức, Khu công nghiệp Yên Mỹ, Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Khu công nghiệp Minh Quang, Khu công nghiệp Sạch, Khu công nghiệp số 3, Khu công nghiệp số 5. Các khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình triển khai, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được 100 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.019 tỷ đồng và hơn 739 triệu USD; đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.202 dự án. Trong đó, có 1.653 dự án trong nước và 549 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 325.000 tỷ đồng và hơn 7 tỷ USD. Có nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại: Dự án sản xuất phim phân cực LCD của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nitto Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 132 triệu USD; dự án sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại di động và máy tính của Công ty trách nhiệm hữu hạn COT VietNam với tổng vốn đầu tư đăng ký 45 triệu USD…

Ðạt được kết quả nêu trên, những năm qua tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Ðẩy mạnh công tác cải cách hành chính; cắt giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng; thực hiện việc xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số. Tỉnh cũng tăng cường phối hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn tồn đọng.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp, đối thoại với các doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên ngành; kết nối cho các doanh nghiệp tham gia một số sự kiện, chương trình, hội nghị xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện. Năm 2023, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tăng cường, đẩy mạnh. Các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên giải phóng mặt bằng thêm khoảng 400 ha, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Thăng Long II, Khu công nghiệp Sạch, Khu công nghiệp số 3, Khu công nghiệp số 5, Khu công nghiệp Yên Mỹ và Khu công nghiệp Yên Mỹ II...

Ðến nay, các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng khoảng 2.683 ha; đầu tư xây dựng hạ tầng được khoảng 1.831 ha. Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nỗ lực tăng tốc triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các dự án đầu tư trong các năm tiếp theo.

Tỉnh Hưng Yên chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; nhất là việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ðiển hình các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đầu tư 173 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; đã có 169 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 3,2 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

Ðể tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn trên thế giới, tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tăng cường công tác quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, tập trung hoàn thiện các hồ sơ thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư những khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh có lợi thế cạnh tranh.