Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là một trong những đơn vị thành công trong xây dựng kế hoạch sản xuất, thích ứng với dịch Covid-19, vừa bảo đảm giãn cách theo quy định phòng, chống dịch; vừa bảo đảm duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời, cung ứng đầy đủ các mặt hàng đúng tiến độ đã ký kết cho hệ thống siêu thị. Ngoài ra, HTX Nông sản sạch Bảo An còn liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 50 HTX nông nghiệp ở Hà Nam và tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình... đến hệ thống siêu thị Vinmart.
Theo Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An Trần Ngọc Hiếu, mỗi ngày HTX cung cấp từ 4,5 - 9 tấn rau, củ, quả sạch cho hệ thống siêu thị Vinmart theo đúng hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, không chỉ chi phí cho vận chuyển hàng hóa tăng cao mà việc đi lại, bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng rất khó khăn. Để gỡ khó cho sản xuất, HTX đã xây dựng kế hoạch theo từng ngày trong tuần, trong tháng để chia nhỏ lực lượng lao động theo ca, bảo đảm yêu cầu chống dịch mà vẫn duy trì được sản xuất. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX vẫn được duy trì và phát triển.
Không chia nhỏ lực lượng sản xuất, cũng không tổ chức lại các chuỗi cung ứng nông sản, HTX Bảo Minh (xã Chiềng Khong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã tìm ra hướng đi mới trong đại dịch thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, đầu tư các kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm, chuyển hướng chế biến sâu. Theo Giám đốc HTX Bảo Minh Phạm Thùy Trang, HTX chủ động đầu tư ba kho lạnh với sức chứa lên đến hàng nghìn tấn, nhằm phục vụ việc thu mua nông sản cho người dân và chuyển hướng một phần sang chế biến sâu. Đồng thời, HTX còn chủ động kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh phát triển mạnh mạng lưới tiêu thụ nông sản thông qua các kênh bán hàng thương mại điện tử. Nhờ đó, chỉ tính riêng vụ nhãn năm 2021, HTX đã tiêu thụ hơn 1.100 tấn nhãn tươi. Đồng thời, chuyển đổi 70% sản lượng nhãn sang làm long nhãn để xuất sang Trung Quốc. Hiện tại, HTX Bảo Minh đang tiến hành thu mua khoảng 1.000 tấn ngô hạt và 3.000 tấn sắn tươi để sơ chế, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sự mạnh dạn trong đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản tại HTX Bảo Minh đã không chỉ giúp HTX vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn bảo đảm đời sống của xã viên, duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất bền vững.
Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đại dịch Covid-19 khiến 90% số HTX trên cả nước gặp khó khăn, trong đó có 30 - 40% bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để giúp các HTX tăng “sức đề kháng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra bốn nhóm giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc các địa phương, Liên minh HTX và bản thân các HTX cần đẩy mạnh tham gia chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản, tận dụng lợi thế sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương, HTX tiếp cận đầy đủ các gói hỗ trợ để có được nguồn vốn đầu tư dây chuyền, kho lạnh và đa dạng hóa các kênh thương mại điện tử.
Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, phía địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách riêng nhằm giúp các HTX nông nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Tại Hà Nam, Liên minh HTX tỉnh đã thành lập tổ công tác có nhiệm vụ khảo sát, tập hợp nhu cầu cần bao tiêu sản phẩm cho các HTX trên địa bàn, đồng thời làm việc với Liên minh HTX Việt Nam tìm hướng liên kết, tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong tỉnh. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh cũng chỉ đạo các HTX trên địa bàn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách liên kết sản xuất giữa người dân với HTX và doanh nghiệp. Trong đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp là đầu mối, là trung gian để kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu nông sản đầu ra. Đến nay, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam đã giúp các doanh nghiệp, HTX có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op hay Vinmart.
Còn tại tỉnh Sơn La, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để gỡ khó cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn, ngoài chính sách chung của Nhà nước, tỉnh cần có cơ chế riêng thu hút cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản về làm việc lâu dài tại HTX. Đồng thời, bố trí ngân sách, lồng ghép các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hợp lý theo hướng quan tâm ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Hình thành mạng lưới liên kết và kênh tiêu thụ sản phẩm của các HTX trong tỉnh tới các vùng, miền trong cả nước. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận những chính sách từ các quỹ, các chương trình hỗ trợ theo chuỗi giá trị và mô hình HTX kiểu mới từ nguồn kinh phí của Trung ương…
Trước tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các HTX nông nghiệp, việc xây dựng cơ chế, chính sách mang tính hỗ trợ đặc thù trước, trong và sau khi dịch bệnh được đẩy lùi nhằm giúp các HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển vững chắc là việc làm hết sức cần thiết. Sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế không chỉ tăng “sức đề kháng” cho các HTX mà còn giúp các HTX linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ■