Đây là một trong nhiều hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023).
Tham gia hội thảo là các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam, tập trung báo cáo về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Các chủ đề về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, hô hấp… sẽ được báo cáo trong 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề với tổng số 28 bài báo cáo. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ trực tiếp và đưa ra các giải pháp, chiến lược quản lý trong phần thảo luận sau mỗi phiên.
Hội thảo sẽ đem đến những thông tin cập nhật, bổ ích cũng như trở thành diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế trong cả nước.
Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Những bệnh không lây nhiễm đang đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề.
Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo. |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm và đánh giá cao vai trò của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong phát triển đất nước. Đặc biệt ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của bao thế hệ thầy thuốc trong suốt lịch sử phát triển, dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Trong 3 năm chống dịch Covid-19 vừa qua, không thể nói hết những hy sinh của các nhân viên y tế giúp đất nước vượt qua đại dịch và cùng với đó là sự đóng góp và hỗ trợ rất hiệu quả của các quốc gia, bạn bè trên thế giới trong đó có đất nước Nhật Bản.
Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi.
Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện.
Bộ Y tế đang hợp tác các quốc gia trong đó có Nhật Bản, cụ thể là với Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, quản lý bệnh viện, ứng phó với già hóa dân số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế...
Người đứng đầu ngành y tế cũng mong muốn, hội thảo không chỉ là dịp trao đổi về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm, mà trở thành diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế giữa hai nước và từ đó đưa ra các định hướng về hợp tác, phát triển trong tương lai.