Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề ở Quảng Ngãi

NDO -

NDĐT - Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng lao động, các trường nghề ở Quảng Ngãi đã liên kết các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên dạy nghề theo phương pháp hiện đại. Từ những hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài sẽ góp phần đào tạo ra những người thợ toàn cầu. Đây cũng là cách mới để thu hút học sinh đến với trường nghề trong bối cảnh hiện nay.

Liên kết và mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo nghề sẽ góp phần đào tạo ra những người thợ toàn cầu.
Liên kết và mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo nghề sẽ góp phần đào tạo ra những người thợ toàn cầu.

Khi “Tây - Ta” tương tác

Sau chuyến bay dài từ nước Pháp xa xôi, vừa đáp xuống sân bay buổi sáng, hai chuyên gia người Pháp Jean Jacques Diverchy và Francois Sanchez đã vội vã đến Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất ngay trong buổi chiều.

Không để mọi người chờ lâu, hai chuyên gia đã bắt tay ngay vào việc. Vừa phát âm bằng tiếng Pháp, ông Jean Jacques Diverchy đưa tay chỉ dẫn những biểu đồ phác thảo về cách xây dựng tài liệu giảng dạy mới của nhiều trường nghề quốc tế. Dường như cũng chưa yên tâm, ông đưa tay ra dấu biểu đạt thêm lời của mình như muốn cho các học viên hiểu rõ hơn vấn đề ông chia sẻ. Những học viên là giáo viên kỹ thuật viên, dạy nghề trẻ tuổi lẫn thâm niên hàng chục năm dõi theo sự hướng dẫn tận tình của “thầy giáo Tây”. Ánh mắt sáng rực, đầy nhiệt huyết của chuyên gia như lan tỏa cho lớp học thêm sinh động.

Sau những hướng dẫn, những “học viên thầy giáo” đặt câu hỏi với vị chuyên gia kỳ cựu. Những khác biệt giữa phương pháp dạy nghề của Pháp với Việt Nam, hạn chế và điểm mạnh về đào tạo nghề, kỹ năng để truyền tải cho học sinh được chia sẻ, thảo luận thẳng thắn giữa chuyên gia và các thầy, cô giáo trường nghề. Sau những tranh luận, nhiều vấn đề được làm rõ và đi đến thống nhất.

Ông Francois Sanchez, Chuyên gia Công nghệ Điện công nghiệp, Cơ quan Phát triển Pháp AFD, cho biết: “Ở đây, chúng tôi lọc ra 32 tình huống nghề nghiệp thực tế phù hợp với việc dạy nghề ở Việt Nam. Chúng tôi biên soạn chương trình giảng dạy dựa theo năng lực, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn chương trình và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ phía giáo viên về phương pháp thực hiện, nội dung bài giảng họ hỏi nhiều và chúng tôi cùng nhau trao đổi làm sáng tỏ vấn đề”.

Anh Trần Ngọc Dũng, Trưởng khoa Điện - Điện tử Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, đã có hơn 15 năm thâm niên giảng dạy nghề điện. Từng tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn nên kiến thức, kỹ năng dạy nghề với anh không xa lạ. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các chuyên gia, anh tiếp cận được giáo trình hiện đại, phương pháp đào tạo nghề thực tế từ Pháp. Theo anh, phương pháp đào tạo của Pháp gắn thiết bị với thực tế. Họ cung cấp tài liệu, hướng dẫn và đòi hỏi người học phải tự nghiên cứu thêm.

“Phương pháp của họ không phải là giảng viên biết gì, có gì thì dạy hết cho học sinh mà là trên nền tài liệu, kiến thức gợi mở cho học sinh nghiên cứu. Chúng tôi tiếp thu và tự nỗ lực nghiên cứu đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp từ những hỗ trợ của các chuyên gia”, anh Trần Ngọc Dũng cho biết.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề ở Quảng Ngãi ảnh 1

Hướng đến những người thợ toàn cầu

Từ năm 2016 - 2019, sáu lớp dạy nghề chất lượng cao với 180 học viên tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo theo chuẩn nghề châu Âu.

Tại đây, các chuyên gia Pháp hỗ trợ các trường nghề xây dựng chương trình dạy nghề chất lượng cao cho Việt Nam, xây dựng tài liệu giảng dạy và hỗ trợ phương pháp sư phạm cho giáo viên. Các chương trình được lấy cơ bản từ chương trình của Pháp, điều chỉnh phù hợp hóa với chương trình giảng dạy tại Việt Nam chuyển giao dạy nghề hai lĩnh vực nghề ô-tô và điện công nghiệp.

Lấm tấm mồ hôi trên trán, em Tạ Lam, sinh viên lớp Ô-tô, Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cố gắng tháo nắp xi-lanh theo hướng dẫn của thầy giáo. Đứng bên cạnh, chuyên gia Jean Jacques Diverchy quan sát cả thầy, trò và ghi chép tỉ mỉ buổi thực hành. Sau một chút bối rối, Lam cũng tháo được nắp xi-lanh động cơ ô-tô để kiểm tra. Các động tác thực hành của Lam cùng các bạn trong lớp thuần thục hơn trước và được điều chỉnh từ sự góp ý của thầy giáo cùng chuyên gia Jean Jacques Diverchy.

Lau vội mồ hôi, Lam cười tươi: “Mô hình ô-tô mà em được hướng dẫn trong lớp cũng giống như ô-tô thật nên khi thực hành em cứ làm đúng. Có nhiều điểm khi thực hành mới phát hiện ra. Nhờ hỗ trợ của thầy, em tìm cách để giải quyết, xử lý phù hợp. Tất cả chúng em phải mày mò, tìm ra những tình huống để xử lý khi thực hành ở xưởng”.

Để đưa phương pháp dạy nghề mới gắn với thiết bị hiện đại, các chuyên gia hướng dẫn sử dụng tài liệu, phương cách giảng dạy cho học sinh nghề theo chuẩn quốc tế. Những kỹ năng mềm, xử lý tình huống, quản trị vận hành, chuỗi sản xuất cũng được tư vấn, bổ trợ cho thầy cô giáo trường nghề. Từ những chương trình hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, các giáo viên sẽ tìm cho mình phương pháp phù hợp để giảng dạy cho học sinh, đào tạo nên những kỹ thuật viên toàn cầu, có đủ khả năng, trình độ làm việc ở các doanh nghiệp ở châu Âu.

Ông Jean Jacques Diverchy, Chuyên gia Công nghệ Ô-tô, Cơ quan Phát triển Pháp AFD chia sẻ: “Sự khác biệt giữa đào tạo công nhân lành nghề ở Pháp với Việt Nam là sinh viên làm việc trong môi trường thực tiễn với hệ thống thiết bị có sẵn. Hệ thống thiết bị trong dạy nghề của chúng tôi gần với thực tế bên ngoài nên sinh viên tốt nghiệp làm được ngay chứ không bỡ ngỡ. Do vậy, chúng tôi muốn chia sẻ, hỗ trợ cho các trường nghề để rút ngắn sự khác biệt này. Các em học xong là đi làm được ngay, kể cả làm ở các nước khác ngoài Việt Nam”.

Quảng Ngãi và miền trung - Tây Nguyên hiện đang phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp nặng như cơ khí, ô-tô, điện, điện tử nhu cầu nhân lực nghề kỹ thuật cao hay công nhân lành nghề là rất lớn. Do vậy, tùy theo từng lĩnh vực nghề, các trường nghề tại Quảng Ngãi mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo với chuyên gia nước ngoài như Pháp, Đan Mạch, Đức để tiếp cận chương trình chuẩn quốc tế. Qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo nghề và môi trường làm việc thực tiễn, nâng cao chất lượng nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện nay.

“Chúng tôi sẽ mở rộng nhiều ngành nghề khác để các em sinh viên có điều kiện học tập và có việc làm tốt sau tốt nghiệp. Tất cả các ngành nghề này sẽ được giảng dạy theo khung năng lực châu Âu. Nếu đạt chuẩn về ngoại ngữ, thì cơ hội việc làm của các em sẽ còn vươn xa đến các nước khác”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cho biết thêm.

Liên kết và mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo nghề là sự nhanh nhạy của các trường nghề tại Quảng Ngãi. Sự hỗ trợ này giúp Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chuẩn nghề quốc tế, cung ứng cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tại chỗ và miền trung - Tây Nguyên.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp nhu cầu thực tiễn, tại năm trường nghề trong ba năm, 2016 - 2019.

Chính phủ Pháp sẽ cử những chuyên gia giỏi nhất đến Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo những công nhân toàn cầu, có năng lực cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các tập đoàn, công ty nước ngoài...