Trải qua nhiều giai đoạn, giáo dục đang là một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo hai nước đều chia sẻ quan điểm giáo dục chính là nền móng cho sự phát triển của một quốc gia và tích cực đẩy mạnh những chính sách nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Hợp tác giảng dạy tiếng Anh và nâng cao chất lượng giáo dục
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tích cực triển khai một số chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giảng dạy tiếng Anh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cụ thể, tháng 7/2020, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định Thực thi về Giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình. Chương trình này đã chính thức triển khai từ tháng 10/2021.
Dự án hướng tới mục tiêu giúp học sinh Việt Nam phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cần thiết để có thể tiếp cận các cơ hội học tập và việc làm.
Các tình nguyện viên của Chương trình Hòa Bình được phân công tới các trường học ở vùng nông thôn để nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh; tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh nói chung và nâng cao thành tích tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nói, nghe hiểu, đọc hiểu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá dự án này rất phù hợp về mặt chiến lược với các ưu tiên của Việt Nam, bởi kỹ năng tiếng Anh tốt sẽ mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp cho người dân.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 9 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh tại 9 Trường Trung học Phổ thông trên địa bàn các huyện của Hà Nội.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng Peace Corps đang tiếp tục triển khai việc tiếp nhận tình nguyện viên cho năm học 2023-2024, dự kiến sẽ đến vào tháng 10/2023.
Bên cạnh Chương trình Hoà Bình, ngày 21/9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) đã ký kết Bản ghi nhớ về Chương trình Hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và năng lực công tác khảo thí cho hệ thống giáo dục Việt Nam.
Vào tháng Tám vừa qua, trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ Rohit Sharma, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết giáo dục Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi, trong đó một phần quan trọng tác động tới việc đổi mới là kiểm tra, đánh giá. Nội dung dạy học dù thay đổi nhưng nếu không có sự đổi mới tương ứng trong kiểm tra, đánh giá cũng sẽ khó đạt được mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, Hoa Kỳ có khoa học kiểm tra, đánh giá rất phát triển, Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác. Việc hợp tác không chỉ giới hạn trong khâu ứng dụng mà còn trong cả hỗ trợ phát triển khoa học kiểm tra, đánh giá và đội ngũ nhân lực ở lĩnh vực này.
Một số ưu tiên trước mắt được Bộ trưởng đề cập với ETS như: xem xét cử chuyên gia sang Việt Nam để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về một số hoạt động khảo thí phía Việt Nam quan tâm; chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến việc tổ chức một kỳ thi; tạo điều kiện cho chuyên gia của Việt Nam sang nghiên cứu, trao đổi tại ETS… Chuyển đổi số đang là lĩnh vực được ngành quan tâm, ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Hoa Kỳ là đất nước có nền giáo dục phát triển, có nhiều trường đại học chỉ số xếp hạng cao. Thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Hiện có khoảng 50 trên tổng số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và của Hoa Kỳ, chủ yếu là chương trình đào tạo trình độ Đại học (khoảng 655 người) và trình độ thạc sỹ (khoảng 70 người). Ngành nghề tập trung chủ yếu là kỹ thuật công nghệ, máy tính và kinh tế.
Ngoài ra, còn có hoạt động hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như khoa học-công nghệ, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, giáo dục STEM.
Những năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua Quỹ VEF, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright.
Cùng với đó, Hoa Kỳ hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Bên cạnh đó, hiện có khoảng 26.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ theo diện tự túc kinh phí và các chương trình học bổng. Ở chiều ngược lại, trong 5 năm gần đây, trung bình có khoảng 10-20 sinh viên của Hoa Kỳ sang Việt Nam học tập về tiếng Việt và Việt Nam học.
(Hình minh họa) |
USAID cũng đã hỗ trợ đáng kể cho giáo dục đào tạo Việt Nam, đặc biệt là các ngành kỹ thuật và y tế phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
USAID đã tài trợ tổng cộng khoảng 68 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam gồm: Dự án Thúc đẩy Hợp tác Trường đại học-Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT); Dự án Nâng cao Chất lượng Đào tạo Y tế ở một số trường Đại học Y của Việt Nam; Dự án Xây dựng Chương trình Đào tạo, Quản trị hệ thống, Các chính sách vận hành, kiểm định quốc tế tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam; Dự án Tăng cường Năng lực Giáo dục Đại học cho 3 đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.
Tháng 9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký Bản ghi nhớ về việc hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Lễ Khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do Hoa Kỳ hỗ trợ. (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án Tăng cường Năng lực Giáo dục Đại học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trị giá 15,4 triệu USD dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối năm 2023.Đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục còn thể hiện qua việc thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, với 6 cơ sở giáo dục phổ thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương và một trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam FUV được thành lập tháng 5/2016 với tư cách pháp nhân là cơ sở giáo dục đại học 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Mới đây, ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với ông Scott Fritzen, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam, để bàn bạc, trao đổi giải pháp nhằm giúp trường phát huy được tối đa tiềm năng theo mô hình giáo dục khai phóng.
Tinh thần chung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Trường Đại học Fulbright Việt Nam không ngừng phát triển và người được hưởng thụ đầu tiên từ sự phát triển của nhà trường chính là các công dân Việt Nam.
Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ông Scott Fritzen cho biết Trường Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập với mục tiêu đưa mô hình giáo dục khai phóng vào Việt Nam.
Fulbright mong muốn tham gia đóng góp tích cực vào sự phong phú, đa dạng của hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam; đồng thời, cung cấp các phương pháp, tiêu chí mà cơ sở giáo dục khác trong nước có thể tham khảo, áp dụng, điều chỉnh để phục vụ mục tiêu riêng của mình.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam có các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn, Khoa học Xã hội, Khoa học và Kỹ thuật, Toán và Máy tính.
Thêm vào đó, một số ngành tại Fulbright có tính chất liên ngành và có nội dung trọng tâm về bối cảnh Việt Nam, trong đó có ngành Khoa học tích hợp độc đáo, ngành Nghiên cứu Truyền thông và Nghệ thuật, ngành Việt Nam học. Khóa sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã tốt nghiệp vào tháng 6/2023 vừa qua.
Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Vì vậy, mối quan hệ hợp tác trong giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và cần tiếp tục làm sâu sắc thêm; góp phần vào phát triển quan hệ song phương, tăng cường liên kết giữa nhân dân hai nước, cũng như sự phát triển bền vững của Việt Nam.