Hơn 916 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

NDO -

Chiều 19/5, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thứ 2 để xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sử dụng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và cam kết đối ứng ngân sách địa phương để tham gia đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr phát biểu tại kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr phát biểu tại kỳ họp.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư dự kiến 21.935 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư là 2.300 tỷ đồng.

Dự án gồm 3 dự án thành phần, trong đó, có 2 dự án thành phần thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm: Dự án thành phần 2 đoạn Km32+000-KM69+500, với chiều dài 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa-Đắk Lắk, có chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 245 tỷ đồng và Dự án thành phần 3 đoạn Km69+500-Km117+500 thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, có chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 1.588 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 2 dự án thành phần này là khoảng 1.833 tỷ đồng.

Tại Thông báo số 702-TB/BCSĐCP ngày 31/3/2022 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ yêu cầu các địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cam kết số vốn ngân sách địa phương bố trí một phần cho công tác giải phóng mặt bằng dự án thuộc địa bàn của các địa phương tối thiểu 50% nguồn vốn giải phóng mặt bằng của dự án.

Còn theo nội dung tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 10/5/2022 và kết luận tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc ngày 13/5/2022, yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh nơi có dự án đi qua cam kết bố trí ngân sách địa phương bằng 50% chi phí giải phóng mặt bằng dự án đi qua địa phương; bảo đảm bố trí vốn theo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng; trường hợp trong quá trình thực hiện có tăng mức vốn giải phóng mặt bằng thì địa phương phải bố trí thêm theo tỷ lệ đối ứng 50%.

Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thảo luận, xem xét các nguồn lực của tỉnh và thống nhất cân đối bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng dự án đi qua địa phương tương ứng với số vốn là 916,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đấu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 để tham gia đầu tư Dự án xây dựng đường bộ Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết bảo đảm bố trí vốn giải phóng mặt bằng từ nguồn đối ứng ngân sách tỉnh theo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng; trong trường hợp nếu có tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thì bảo đảm, bố trí thêm ngân sách tỉnh theo tỷ lệ đối ứng 50%.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, điểm đầu tại nút giao thông quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trong đó đoạn đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7km và đoạn đi qua các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar và huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km.

Đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có quy mô quy hoạch 4 làn xe. Trong giai đoạn 1 đoạn Km0+000-Km7+700 nút giao cao tốc bắc-nam phía đông với quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m. Đoạn Km7+700-Km 117+500 cuối tuyến có quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục. Tại các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô quy hoạch.

Quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc; bảo đảm khai thác an toàn, đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo đảm thuận lợi khi thực hiện mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

Tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/giờ. Chuẩn bị dự án năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.