Hơn 6.500 vụ tai nạn lao động, làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng

NDO -

Trong năm 2021, cả nước có hơn 6.500 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 6.600 người bị nạn. Ước tính, thiệt hại về vật chất và tài sản khoảng 4.000 tỷ đồng.

Vụ nổ trạm khí than tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, khu công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 12/10/2021. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân Dân).
Vụ nổ trạm khí than tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, khu công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 12/10/2021. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân Dân).

Ghi nhận mức giảm tai nạn lao động 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn.

Tuy nhiên, so với năm 2020, con số này đã giảm 1.876 vụ, tương ứng với 22,4% và giảm 1.952 người, tương ứng với 22,67%. Dữ liệu này tính cả khu vực có quan hệ lao động và người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn lao động chết người là 749 vụ, giảm 170 vụ, tương ứng 18,5%. Số người chết vì tai nạn lao động là 786 người, giảm 180 người, tương ứng 18,63%. Số người bị thương nặng là 1.485 người, giảm 412 người, tương ứng với 21,71%.

Có tám địa phương ghi nhận số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách này với 546 vụ tai nạn lao động, 56 người tử vong. Ngoài ra, còn có các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên. 

Những lĩnh vực có nhiều tai nạn lao động chết người (Chiếm tỷ lệ trong tổng số vụ tai nạn lao động/ tổng số người chết).
- Dệt may, da giày chiếm 14,16% và 13,68%
- Khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% và 12,82%
- Sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,61% và 10,26%.
- Xây dựng chiếm 9,73% và 10,26%
- Cơ khí, luyện kim chiếm 6,19% và 5,98%
- Dịch vụ chiếm 6,19% và 5,298%

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết người và bị thương nhiều người, xảy ra tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Phước. Các vụ này xảy ra ở các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử.

Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm qua, có 22 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng về vật chất, tài sản do tai nạn lao động

Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho hay, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2021 là hơn 3.954 tỷ đồng, giảm 2.049 tỷ đồng so với năm 2020. Con số này có tính tới các chi phí như: tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... Thiệt hại về tài sản là hơn 18 tỷ đồng, tăng 14,117 tỷ đồng so với năm 2020. Con số này chưa tính hơn 116.377 ngày nghỉ do tai nạn lao động, giảm 33.947 ngày so với thời điểm 2020.

Trong năm qua, tại khu vực có quan hệ lao động, các dữ liệu về số vụ tai nạn lao động, số nạn nhân, số vụ có người chết và số người chết cũng như số người bị thương nặng đều ghi nhận mức giảm. Một trong những lý do là vì số báo cáo giảm 10,9 % so với năm 2020. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người tham gia thị trường lao động ghi nhận sự đi xuống nên tai nạn lao động cũng giảm so với năm trước đó.

Ở khu vực có quan hệ lao động, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khi tỷ lệ nhận biên bản chỉ chiếm 23,5% tổng số vụ tai nạn lao động chết người. Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Ngãi là những địa phương báo cáo kịp thời biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định.

Còn với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, một số địa phương đã gửi biên bản điều tra tai nạn lao động như: Hà Nội, Thái Bình. Tuy nhiên, công tác điều tra tai nạn lao động với khu vực này chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Các ủy ban nhân dân cấp xã triển khai việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động với nhóm đối tượng này còn rất hạn chế.

Lao động làm việc không theo hợp đồng lao động:
- Toàn quốc có 707 vụ tai nạn lao động khiến 748 người bị nạn. Trong đó: 175 vụ tai nạn lao động chết người, 184 người chết, 259 người bị thương nặng.
- Tai nạn lao động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủ công, cơ khí, thương mại-dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 là: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương,...

Thời gian tới, các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm…

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, lưu ý các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Các địa phương cần tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề.

Một trong những ưu tiên nữa là tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Cùng với đó, phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.

Tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động cũng như triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2021
1. Rơi vận thăng chở người và hàng từ tầng 4 xuống đất, xảy ra ngày 2/1/2021 tại Công trình xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, thuộc phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hậu quả làm 11 người bị nạn, trong đó 3 người chết, 8 người bị thương nặng.
2. Tai nạn lao động nghiêm trọng do bỏng than, xảy ra ngày 22/1/2021, tại Công ty Cổ phần Xi-măng Sài Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Hậu quả làm 1 người chết, 3 người bị thương.
3. Tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do than cháy nội sinh, xảy ra ngày 26/1/2021 tại IIK22-IIK25, Lò dọc vỉa than mức -180m thuộc khai trường khai thác than của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương, thuộc địa phận khu dân cư Trại Nẻ, phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hậu quả làm 4 người chết, 4 người bị thương là người lao động của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương.
4. Tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do bỏng nhiệt, xảy ra ngày 8/2/2021 tại Công ty TNHH quốc tế Kim Bảo Sơn (Việt Nam), đường số 1, khu công nghiệp Long Thành, Long Thành, Đồng Nai. Hậu quả làm 2 người chết.
5. Sập đổ, vùi lấp, xảy ra ngày 9/3/2021 tại Công trình cải tạo, sửa chữa Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Hậu quả làm 2 người chết.
6. Tuột đầu nối dây cáp với móc cẩu, xảy ra ngày 15/3/2021 tại Công trình xây dựng Ford Bình Phước, khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước do Công ty cổ phần dịch vụ ô-tô Thành phố mới Bình Dương làm chủ đầu tư. Hậu quả làm 2 người chết, 1 người bị thương.
7. Tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do đổ, đè, xảy ra ngày 14/4/2021 tại Dock tàu. Hậu quả làm 2 người chết, 1 người bị thương là người lao động của Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
8. Tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do ngạt khói, xảy ra ngày 16/4/2021 tại khu Xưởng trống tầng 2, Xưởng PKG, Nhà máy số 2, Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam, đường Hữu Nghị, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, thuộc địa phận huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hậu quả làm 3 người chết là công nhân của Công ty.
9. Cháy nổ hệ thống hút bụi, xảy ra ngày 22/7/2021, tại nhà xưởng sản xuất của Công ty Tuyển Hưng (thửa đất tờ bản đồ 36, ấp 2, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Hậu quả làm 2 người chết;
10. Mìn nổ, xảy ra ngày 18/7/2021 tại mỏ đá núi Bẩy ngọn, thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hậu quả làm 2 người chết, 3 người bị thương là công nhân của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Havico.
11. Sự cố nổ bao hơi, xảy ra ngày 12/10/2021 tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, thuộc cụm công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Hậu quả làm 3 người chết, 6 người bị thương.

Lao động và việc làm