Hơn 3.673 ha sắn ở Quảng Ngãi bị bệnh khảm lá

NDO -

Chiều 26/2, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho biết, bệnh virus khảm lá sắn gây hại phổ biến trên tất cả các giống sắn đang trồng trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích bị nhiễm bệnh hơn 3.673 ha.

Nhiều năm liền, nông dân Quảng Ngãi thất thu vì bệnh khảm lá sắn. 
Nhiều năm liền, nông dân Quảng Ngãi thất thu vì bệnh khảm lá sắn. 

Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã trồng được 9.574,7 ha sắn niên vụ 2021-2022, đạt 57,7% kế hoạch, với các giống sắn chủ lực là KM94, KM140 và một ít diện tích sản xuất giống sắn KM419, KM7. 

Hiện, cây sắn đang giai đoạn từ mới trồng đến phát triển thân, lá nhưng dịch bệnh khảm lá gây hại phổ biến trên tất cả các giống sắn đang trồng trên địa bàn tỉnh khiến nông dân lo lắng. 

Qua thống kê, toàn tỉnh có 3.673,5 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá chiếm 38,4% so với diện tích trồng. Trong đó, nhiễm nhẹ là 206,5 ha, trung bình 268,5 ha, nặng 3.198,5 ha. Bệnh gây hại rất nặng tại huyện Sơn Hà với diện tích bị nhiễm 3.000 ha trên tổng số 4.200 ha sắn trồng mới, chiếm tỷ lệ 71,4%. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, thời gian tới, bệnh khảm lá sắn sẽ tăng nhanh về diện tích và tỷ lệ bệnh do nông dân sử dụng giống sắn trên các vùng đã nhiễm bệnh để trồng, khi cây sắn mọc mầm và phát triển thân lá sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh, đồng thời bệnh lây lan qua côn trùng môi giới là bọ phấn trắng. 

Trước tình hình dịch bệnh khảm lá sắn lan rộng, nguy cơ gây thiệt hại cho người trồng sắn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân biết và không sử dụng hom giống từ các vùng sắn đã bị nhiễm bệnh ở vụ trước để trồng lại, thường xuyên kiểm tra ruộng sắn, nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan, trồng dặm lại kịp thời để đảm bảo mật độ sắn thích hợp. 

Hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc cho cây sắn, đặc biệt là bón đủ lượng phân để giúp cây tăng sức đề kháng và giảm thiệt hại về năng suất sau này; chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng các cây trồng khác tại những vùng có điều kiện canh tác phù hợp để phòng tránh bệnh. 

Đối với những vùng sắn đã bị nhiễm bệnh nặng ở vụ trước nhưng không có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác được thì vận động nông dân ngưng sản xuất 1 vụ sắn để cắt nguồn lây lan bệnh. 

Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (đơn vị quản lý 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Quảng Ngãi) tăng cường việc mua giống sắn sạch bệnh từ các tỉnh khác cấp phát hỗ cho nông dân tổ chức sản xuất; kiểm soát chặt các vùng sắn trước khi thu mua giống, tránh trường hợp mua trôi nổi qua thương lái, chất lượng giống không đảm bảo.