Theo Tổng Giám đốc WHO, hiện nguồn cung vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu, cũng như dữ liệu về hiệu quả các loại vaccine này còn hạn chế. WHO đang liên hệ với các nhà sản xuất vaccine cũng như các quốc gia và tổ chức trên thế giới để thúc đẩy việc chia sẻ vaccine cũng như các hướng phòng ngừa và điều trị bệnh. Các chuyên gia y tế lo ngại việc tiếp cận vaccine thiếu bình đẳng từng ghi nhận trong đại dịch Covid-19 sẽ lặp lại.
Theo Bloomber, Công ty Bavarian Nordic A/S, hãng dược phẩm duy nhất sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ được cấp phép sử dụng, thông báo tìm đối tác mở rộng sản xuất, do lo ngại không đáp ứng được nhu cầu về vaccine, trong bối cảnh số ca bệnh đậu mùa khỉ tăng trên toàn cầu. Mỹ, quốc gia có số ca bệnh đậu mùa khỉ cao nhất trên thế giới, đã nhận khoảng 88% số vaccine do Bavarian Nordic A/S phân phối kể từ tháng 5 vừa qua.
WHO công bố tên gọi mới cho hai biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ phổ biến nhất hiện nay nhằm tránh những hàm ý địa lý tiêu cực. Theo đó, Clade I là tên gọi mới dành cho biến thể có nguồn gốc từ Congo (Trung Phi) mà trước đây hay được gọi với tên không chính thức “biến thể lưu vực sông Congo”. Clade II là tên mới của biến thể có nguồn gốc từ Tây Phi. WHO cũng xác nhận biến thể Clade II có hai biến thể phụ là Clade IIa và Clade IIb, trong đó Clade IIb được cho là gây ra làn sóng lây lan bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Theo WHO, việc đặt lại tên cho căn bệnh đậu mùa khỉ có thể phải mất vài tháng. Các chuyên gia cho rằng, cách gọi “đậu mùa khỉ” vừa không chính xác, vừa dễ gây hiểu nhầm. Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc virus gây bệnh được phát hiện ở khỉ thí nghiệm tại Ðan Mạch hồi năm 1958. Tuy nhiên, căn bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở các loài gặm nhấm và đợt dịch hiện nay bùng phát qua tiếp xúc gần giữa người với người.
Các nhà khoa học cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu đánh giá khả năng những biến đổi về gene trong virus gây bệnh đậu mùa khỉ là nguyên nhân khiến bệnh lây lan mạnh.