Trong đó rừng tự nhiên là 1,211 triệu ha, rừng trồng là 0,936 triệu ha và 0,149 triệu ha đất có cây tái sinh và thảm cây bụi, bao gồm chủ yếu các loại rừng: Rừng trồng keo, thông, bạch đàn; rừng thông tự nhiên, rừng tre nứa, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, rừng phục hồi và rừng nghèo kiệt…
Vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung tại các địa bàn: Quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Phước Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Núi Thành, Đông Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đắk Tô, Kon Rẫy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum; huyện Chư Păh, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Đắk Pơ, Krông Kcho, Chư Suê, Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Pưh và thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương, và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; huyện M’Đrắk, Lắk, Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Cư Jút, Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song và thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông…
Nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong những tháng cao điểm mùa khô hiện nay, Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với các sở, ngành các tỉnh trong vùng tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; trong đó tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản và tại các diện tích hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại về rừng và đất lâm nghiệp.
Đồng thời hướng dẫn các đơn vị chủ rừng xây dựng, thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt.
Tại các vùng trọng điểm, xung yếu có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, các đơn vị Kiểm lâm đã tiến hành ký hợp đồng trong 3 tháng mùa khô với các cá nhân tại địa phương và phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ứng trực 24/24 giờ trong ngày trong các tháng cao điểm nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại về rừng.
Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm tại các địa phương còn tham mưu cho chính quyền cấp huyện xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giao đất, giao rừng gắn với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương; quản lý canh tác nương rẫy trên đất quy hoạch lâm nghiệp; phân định ranh giới, cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và theo từng chủ quản lý rừng bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.
Đặc biệt, trong thời kỳ cao điểm mùa khô hiện nay, Chi cục Kiểm lâm vùng IV hướng dẫn các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền cấp xã tiếp tục rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các điểm nóng và nhạy cảm thường xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo tình hình thực tế; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ và sẵn sàng, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tổ chức theo dõi, cập nhật, xử lý số liệu về cảnh báo sớm cháy rừng thông qua hệ thống cảnh báo của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng của các địa phương; kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng trên kênh phát thanh, truyền hình và qua tin nhắm SMS để các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã, đơn vị chủ rừng, nhân dân trên địa bàn biết, chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tổ chức phân công trực, ứng trực nghiêm túc, đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi xảy ra cháy lớn, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng cao.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, từ đầu năm đến nay toàn vùng xảy ra 2 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 2,25 ha rừng, trong đó 1 vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,45 ha rừng trồng năm 2014 và 1 vụ cháy thảm cỏ cây bụi dưới tán rừng với diện tích 0,8 ha. Hiện lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan Công an địa phương tiến hành điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.