Hơn 13 triệu người đã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP

NDO -

Sau một tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, cả nước đã có hơn 13 triệu người được hỗ trợ, với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng. 

Hỗ trợ cho lao động tự do ở TP Vị Thanh, Hậu GIang (Ảnh: Phùng Dũng).
Hỗ trợ cho lao động tự do ở TP Vị Thanh, Hậu GIang (Ảnh: Phùng Dũng).

Nỗ lực đưa chính sách đến người dân

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau một tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68/NQ-CP) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, số lao động đã được hỗ trợ trên cả nước là hơn 13 triệu người, với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể như, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chi trả hỗ trợ tới người dân, người lao động 788 tỷ đồng. Bình Dương đã tiếp nhận 349 tỷ đồng. Hà Nội tiếp nhận 386,8 tỷ đồng, Bến Tre tiếp nhận hơn 32 tỷ đồng, Hậu Giang tiếp nhận 12,3 tỷ đồng…

Hơn 13 triệu người đã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP -0
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

Ngày 15/8, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sơ kết một tháng thực hiện Chỉ thị 16 tại một số tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, điều đáng mừng là tất cả các địa phương đã tích cực vào cuộc đem lại hiệu quả và nhanh chóng.

Qua đó, cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách, hàng triệu người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt. Đặc biệt, vừa qua, hàng triệu lao động tự do được hưởng chính sách, thủ tục linh hoạt từ các địa phương.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, công tác triển khai chính sách của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai rất đúng hướng.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. TP Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng trong ngày 14/8. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động…

Không chỉ có vậy, sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà hảo tâm với tinh thần "Ai có gì hỗ trợ đó" đã góp phần hiệu quả hơn trong quá trình hỗ trợ người dân. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các mô hình thực tế, hiệu quả và sáng tạo như: ATM gạo, siêu thị 0 đồng… ở nhiều địa phương.

"Đặc biệt là mô hình "túi an sinh xã hội". Tôi cho rằng đây là cách làm thiết thực, bảo đảm dân không bị thiếu, không bị đói. Qua đó giúp người dân yên tâm thực hiện Chỉ thị 16, với tinh thần "Ai ở đâu, ở yên ở đó" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắng chia sẻ một thực tế, vẫn có tình trạng, những địa phương thực hiện giãn cách thì làm tốt, nhưng một số địa phương còn chưa quan tâm sâu sát đến vấn đề hỗ trợ người dân.

Trong khi công tác hỗ trợ lao động tự do khá tốt, nhưng còn một bộ phận người lao động có hợp đồng lao động bị ngừng việc vẫn còn chậm được tiếp cận, nhất là công nhân ở các khu nhà trọ hay người lao động di chuyển về các địa phương.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 86/NQ-CP thông qua nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả.

Việc triển khai hỗ trợ cần nhanh, cụ thể và thiết thực hơn, hiệu quả. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc.

"Đồng thời, cần chăm lo tốt tới các đối tượng của ngành lao động, thương binh và xã hội như: người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… một cách thực chất hơn và quản lý tốt cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn trong thời gian giãn cách không tiếp nhận học viên cai nghiện vào cơ sở cai nghiện. Bởi thực tế cho thấy, hầu như các trung tâm cai nghiện ma túy đang có nhiều F0. Nếu đưa vào mà chưa thực hiện xét nghiệm có thể là nguồn lây vào trong các cơ sở này.

Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình "Túi an sinh" tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh và thực hiện chủ trương "1 triệu túi an sinh". Đây là giải pháp giúp người dân an tâm ở trong nhà.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong ngày mai, Bộ sẽ trình Thủ tướng ký ban hành quyết định xuất cấp hỗ trợ gạo cho các địa phương trên toàn quốc gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhất là các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội cho biết thêm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng cho phép tháo gỡ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tối giản thủ tục hành chính, bỏ các quy định về thuế, bảo đảm để doanh nghiệp, người dân, tiếp cận vốn vay trả lương, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch.