Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) đang được triển khai thực hiện với những kết quả tích cực.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đến nay, đã có hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số của Chương trình; khoảng 1.500 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để có phương hướng triển khai.
Đáng lưu ý, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số thông qua Chương trình. Kết quả này cho thấy các hoạt động của Chương trình đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt trong nhận thức và đầu tư cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu, khiến chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi ở một số doanh nghiệp.
Nếu như năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số thì năm 2022, số lượng doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho chuyển đổi số.
Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu, khiến chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi ở một số doanh nghiệp.
Vì vậy, Chương trình đã triển khai Gói xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số một cách bài bản.
Sau khi công bố, đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia Gói xây dựng lộ trình chuyển đổi số, tập trung vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất, ....
Chương trình đã sàng lọc ra 50 doanh nghiệp có độ sẵn sàng cao theo một số tiêu chí ưu tiên. Từ đó cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong mạng lưới của Chương trình đến từng doanh nghiệp để khảo sát, đánh giá và tư vấn chuyên sâu về định hướng chuyển đổi số cho từng doanh nghiệp.
Các chuyên gia đã làm việc cùng doanh nghiệp trong 3 tháng liên tục để giúp doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số, có phương hướng và lộ trình bài bản để đầu tư chuyển đổi số trong vài năm tới.
Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số này sẽ trở thành những điển hình thành công, truyền cảm hứng giúp các doanh nghiệp khác có thêm niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt để thực hiện chuyển đổi số.
Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.