Ngày 9-7, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy, Tổng lãnh sứ quán Anh, phòng khám gia đình (đơn vị bệnh nhân đóng bảo hiểm và thực hiện vận chuyển người bệnh), Đoàn bay 919 (nơi bệnh nhân công tác).
Sau buổi làm việc, Tổng lãnh sứ quán Anh đã đến thăm và tiếp xúc với bệnh nhân 91 để trao đổi về việc xuất viện, đưa ông về Anh.
Nam phi công đã bày tỏ ba nguyện vọng trước ngày hồi hương. Đầu tiên, bệnh nhân không muốn tiếp xúc với giới truyền thông khi ông ra viện, không chụp hình hay trả lời phỏng vấn báo, đài.
Phi công đồng ý tiếp đón lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, các sở, ban ngành đến động viên, chào tạm biệt trước khi ông lên đường.
Cuối cùng, nam phi công đồng ý có sự tham gia của một nhiếp ảnh thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy ghi lại hình ảnh buổi tiễn ra viện.
Cùng ngày, Tổng lãnh sứ quán Anh đã gửi thư ngỏ mong muốn Bệnh viện Chợ Rẫy hợp tác, thực hiện nguyện vọng của bệnh nhân.
Hiện tại, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổng lãnh sứ quán Anh đã hoàn tất thủ tục, lịch trình đưa bệnh nhân hồi hương. Dự kiến, tổng thời gian các chuyến bay khoảng 32 giờ, bao gồm cả chuyến bay từ TP Hồ Chí MInh đến Hà Nội để nối chuyến đến sân bay Frankfurt (Đức).
Theo đó, bệnh nhân sẽ được đi trên Boeing 787-9 đến sân bay Nội Bài. Tại đây, nam phi công sẽ được hỗ trợ di chuyển đến ga quốc tế. Máy bay Boeing 787-10 sẽ cất cánh rời Việt Nam lúc 23 giờ đêm 11-7.
Chuyến bay quá cảnh ở Frankfurt trước khi hạ cánh tại sân bay Heathrow (Anh) lúc 8 giờ 30 phút ngày 13-7 (theo giờ địa phương).
Chuyến bay này sẽ có sáu phi công và 16 tiếp viên, sáu bình ô-xy để phục vụ bệnh nhân suốt hành trình bay. Nam phi công sẽ được ngồi khoang hạng thương gia và ba ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng.
Bệnh nhân 91nhập viện ngày 18-3 tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ béo phì và diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Giai đoạn bi quan nhất là khi người bệnh tổn thương nhanh toàn bộ hai bên phổi, kèm theo đó là sự suy giảm của các tạng khác nha thận, gan và rối loạn đông máu. Bệnh nhân cũng từng trải qua những giai đoạn thập tử nhất sinh, tiên lượng khó qua khỏi khi phải thở ECMO hơn hai tháng.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu Ban điều trị Covid-19 cho biết, để điều trị cho BN 91, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và các y, bác sĩ ở tuyến đầu đã có một chiến lược điều trị rõ ràng.
Khi bệnh nhân có xét nghiệm SARS-CoV-2 còn dương tính thì tập trung điều trị Covid-19, cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 sang nhân viên y tế nên tập trung điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về truyền nhiễm.
Khi xác định người bệnh khỏi Covid-19, BN 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy - bệnh viện đa khoa tuyến cuối, nơi có nhiều chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực để chăm sóc, điều trị giúp người bệnh phục hồi tốt nhất. Bước chuyển này là một bước đi đúng đắn trong quá trình điều trị cho người bệnh.
Từ một người phổi chỉ còn hoạt động 10%, phải sử dụng ECMO hai tháng, lọc thận, được tính tới phương án ghép phổi, thận đã được hồi sinh ngoạn mục. Đây là kết quả của sự điều hành của Tiểu ban Điều trị do các thầy thuốc trong Hội đồng chuyên môn, các bác sĩ, điều dưỡng đúng 115 ngày qua trực tiếp theo dõi, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân mà không quản ngại đến sự vất vả hy sinh của bản thân mình nằm cứu chữa người bệnh, không phân biệt quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài.