Các đội tham gia dự thi về các kỹ năng hòa giải, pháp luật về hòa giải, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định pháp luật liên quan đến công tác hòa giải... Các đội đoạt giải nhất, nhì, ba của vòng thi khu vực sẽ tham dự vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội, dự kiến vào tuần đầu tháng 11/2023.
Hội thi nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên của các địa phương.
Quảng Ninh bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
Giai đoạn 2020-2022, tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2023, tỉnh đã dành 1.037 tỷ đồng cho an sinh, phúc lợi xã hội, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh cũng đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
“Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” khu vực phía bắc
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức có sự tham gia của 63 tỉnh đoàn, thành đoàn trên cả nước với 446 dự án của thanh niên. Sau vòng sơ khảo, Hội đồng Ban Giám khảo lựa chọn 135 dự án vào vòng bán kết cuộc thi.
Tham dự vòng bán kết cuộc thi khu vực miền bắc tổ chức tại tỉnh Hà Nam có 30 dự án thuộc các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và tận dụng tài nguyên bản địa; bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng...
Bắc Ninh tăng cường xử lý hoạt động tín dụng đen
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen; phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn.
Các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hoạt động tín dụng đen, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động tín dụng đen.
Ninh Bình huy động gần 56 tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa
Đến nay, sau hai tháng phát động, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội tỉnh Ninh Bình đã nhận được gần 56 tỷ đồng; trong đó, quỹ cấp tỉnh tiếp nhận gần 20,8 tỷ đồng; cấp huyện hơn 16 tỷ đồng và cấp xã hơn 19 tỷ đồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, toàn tỉnh có khoảng 95% hộ gia đình; 106 doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ Quỹ.
Số tiền nêu trên được sử dụng cho công tác đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là hỗ trợ xây dựng “nhà đại đoàn kết” cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).
Thái Bình hỗ trợ nông dân mua máy móc nông nghiệp
Nhằm đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa trong sản xuất, hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đang áp dụng chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cấy và máy sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, hộ nông dân mua các thiết bị nêu trên sẽ được hỗ trợ 50% tổng giá trị thiết bị. Với cách làm này, chỉ trong thời gian từ năm 2021 đến nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã mua được 661 máy cấy và bốn thiết bị sấy, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ của tỉnh sẽ áp dụng đến năm 2025.
Trước đó, giai đoạn 2010-2015, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ cho nông dân khoảng 184 tỷ đồng mua 3.900 máy các loại như: Máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cấy, máy gieo sạ lúa, kho lạnh…