Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang và trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố và 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Hà Thị Nga phát biểu khai mạc hội thảo. |
Đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho) trong một gia đình nông dân nghèo.
Từ năm 20 tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương. Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), lấy bí danh là Mười Thập. Sau đó, đồng chí thoát ly hoạt động phong trào, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng ở Sài Gòn và các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre.
Tháng 4/1935, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Cùng năm đó, đồng chí bị Pháp bắt, bị kết án tù, chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù. Ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập được giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng. Năm 1946, đồng chí vinh dự được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I), là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Nam Bộ (1947-1952), là Hội trưởng (nay là Chủ tịch) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương (1955-1974).
Đoàn thanh niên tham dự tại hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập". |
Theo đồng chí Hà Thị Nga, đồng chí Nguyễn Thị Thập là người giữ kỷ lục về thâm niên người đứng đầu tổ chức phụ nữ Việt Nam, với 18 năm liên tục, cũng là người phụ nữ duy nhất có 33 năm liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1988).
Đồng chí cũng là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II (1960-1964) và 17 năm liên tục ở cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1964-1981), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều năm (từ khóa II đến khóa IV).
Dù ở bất kỳ vị trí nào, bằng tài năng, tâm huyết và ý chí cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo sâu sắc nhiều phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, đặc biệt phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Các đồng chí trong Lực lượng vũ trang tham gia hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ Việt Nam kiên trung, bất khuất.
Ngày 19/3/1996, đồng chí Nguyễn Thị Thập từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 88 tuổi.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang đã phát biểu nhiều tham luận khắc họa đậm nét chân dung Nguyễn Thị Thập, người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, người nữ lãnh đạo xuất sắc, người đại biểu nhân dân; chân dung người Mẹ Việt Nam Anh hùng, người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ 20.