Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”, do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội, các đại biểu dẫn nhiều báo cáo cho hay: tội phạm mua bán người đã xuất hiện ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, núp bóng dưới nhiều hình thức biến hóa khôn lường.
Đáng chú ý, có “chiêu trò” tổ chức cho các cá nhân đi tham quan, du lịch, tinh vi hơn nữa là xuất khẩu lao động, môi giới kết hôn, nhận con nuôi. Nạn nhân các vụ mua bán người chủ yếu bị khai thác làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức hay lấy nội tạng.
Tránh bẫy của tội phạm mua bán người
Trước thực trạng nêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện một số khảo sát ban đầu vào năm 2022, thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” , thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025).
Dựa trên các kết quả khảo sát, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”, nhằm tạo diễn đàn để các các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận những vấn đề liên quan.
Qua đây, Hội thảo khuyến khích trao đổi bằng góc nhìn học thuật để đưa ra các khuyến nghị về bổ sung chính sách, pháp luật, đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới theo hướng thực tiễn, hiệu quả hơn, góp phần đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên.
Đại biểu tham luận về tội phạm mua bán người. |
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước; tập trung trao đổi, thảo luận về 2 chủ đề chính: “Lý luận pháp luật và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”, “Công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam: kinh nghiệm và mô hình thực tiễn”.
Ban tổ chức đã lựa chọn 33 bài báo khoa học tiêu biểu thông qua quy trình phản biện chặt chẽ, có hàm lượng khoa học cao để xây dựng kỷ yếu Hội thảo. Kỷ yếu đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người ở Việt Nam; việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, một số bài viết nhận diện, phân tích biểu hiện, xu hướng mới của tội phạm mua bán người và yêu cầu hoàn thiện, đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trong bối cảnh hiện nay.
Với cách tiếp cận đa dạng và thực tiễn phong phú, các bài viết khoa học là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các cơ quan chức năng và các bên liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.