Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tham dự và chia sẻ ý kiến tại hội thảo có Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan và nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo. (ẢNH: HỘI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM) |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống khẳng định, sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ yêu thích, đam mê và trách nhiệm với nhiếp ảnh đã đoàn kết, chung sức, với nghĩa vụ công dân, ý thức phấn đấu “văn nghệ sĩ là chiến sĩ” đã có mặt và ghi lại những hình ảnh chân thực, phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Nhiều hình ảnh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đã được giới thiệu với nhân dân thế giới, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử.
Khát vọng nâng tầm nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam
Nửa thế kỷ vừa qua cũng là thời kỳ quan trọng ghi nhận đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ 71 hội viên tham dự Đại hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh lần thứ nhất năm 1965, đến nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đã có 1.075 hội viên hoạt động sáng tạo ở tất cả các tỉnh thành, các chi hội trong cả nước, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển văn hóa dân tộc.
Nhiếp ảnh đã và đang trở thành hoạt động phát triển văn hóa không thể thiếu trong đời sống hoạt động nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần của con người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, ông Hồ Sỹ Minh khẳng định. (ẢNH: HỘI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM) |
Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận của 26 tác giả gồm nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà khoa học, nhà quản lý... và một tác giả là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành nghệ thuật thị giác.
Các ý kiến tập trung tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của nhiếp ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ; cùng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Chu Chí Thành phát biểu. (ẢNH: HỘI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM) |
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp hữu ích xây dựng và phát triển nhiếp ảnh Việt Nam thời gian tới như: xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về nhiếp ảnh, đào tạo nhân lực, nhất là tài năng trẻ; việc xây dựng công nghiệp nhiếp ảnh, điện ảnh; sự kết hợp giữa nhiếp ảnh và các ngành kinh tế khác như du lịch; công tác lý luận phê bình, việc chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ số để quảng bá, thương mại tác phẩm ảnh nghệ thuật…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh trong 50 năm qua vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước được nâng cao. Những thành tựu của nhiếp ảnh đã góp phần làm phong phú cho hoạt động văn học nghệ thuật, minh chứng cho các chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiếp ảnh còn có giá trị truyền thông mạnh mẽ hiện thực, tạo niềm tin cho công chúng trong mọi thời đại.