Hội sách - những điều còn để ngỏ

Trong khoảng thời gian chưa đầy hai tháng vừa qua, riêng tại Hà Nội đã diễn ra ba hội chợ sách có quy mô khá lớn, nếu tính cả Hội chợ sách Mùa thu 2015 vừa khai mạc vào ngày 29-10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tổ chức hội sách là điều cần thiết, nên làm, nhưng với mức độ "cấp tập" liệu thị trường và sự quan tâm của xã hội có "bão hòa". Làm thế nào để hội sách có hiệu quả nhiều mặt, thiết nghĩ, đó mới là điều đáng bàn.

Những gian hàng sách giá rẻ luôn thu hút nhiều bạn đọc trẻ.
Những gian hàng sách giá rẻ luôn thu hút nhiều bạn đọc trẻ.

Các hội sách giúp thị trường xuất bản “khởi sắc”?

Cách nay chừng gần hai mươi năm, hoạt động được gọi là “hội sách” mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Thoạt tiên khá thưa mỏng: hai năm một lần, tổ chức luân chuyển qua lại giữa hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng gần đây tình hình đã khác. Ngoài hội sách tạm gọi là có tính chất truyền thống đó, còn có hội sách quốc tế (Cục Xuất bản mới tổ chức lần thứ nhất, đầu tháng 9-2015), hội sách Hoàng thành Thăng Long (Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội tổ chức, năm nay là năm thứ hai), hội sách mùa thu (các nhà xuất bản Trẻ, Phụ Nữ, Kim Đồng cùng tổ chức, năm nay là năm thứ ba)... Sự tăng bội ấy của hội sách trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay cùng với việc ban hành Luật Xuất bản, rồi Luật Xuất bản sửa đổi và sự ra đời của Ngày sách Việt Nam liệu có đủ cơ sở để cho rằng thị trường xuất bản đã khởi sắc, văn hóa đọc đã thật sự được hoạt động hội sách khơi dậy, tiếp sức một cách đáng kể?

Trước hết, không nên quên một thực tế mà báo chí vẫn thường nhắc tới: Dân số Việt Nam hiện hơn 90 triệu người và trung bình một người Việt Nam đọc chưa đến một cuốn/năm. Tỷ lệ này là không tương xứng đối với quốc gia có truyền thống hiếu học và khoa cử cả nghìn năm nay. Ở hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2014, nhiều người tỏ ra hoan hỷ với tổng số tiền năm tỷ, bảy tỷ đồng thu về sau mấy ngày hội sách. Số tiền ấy còn xa mới làm dịu được sự lo lắng của những người làm xuất bản cả nước, khi mà cả năm trời họ vẫn phải vật lộn với vấn nạn sách giả, sách lậu, với giá giấy tăng, giá nhân công tăng, với cơ sự đa số sách thường chỉ được in ra trung bình khoảng 1.000 đến 2.000 cuốn/đầu và rất hiếm khi mới bán hết. Với một thực tế như vậy, nói rằng thị trường xuất bản đã có thể “khởi sắc”, dù chỉ một phần nào, nhờ hoạt động hội sách, là chưa chính xác.

Tăng hiệu quả đa chiều từ các hội sách

Từ một phía khác, nói đến hội sách ắt không thể bỏ qua hai yếu tố mang tính bản vị của thị trường xuất bản: sách (mặt hàng) và người xem, người mua sách (khách hàng). Nhận xét văn hóa đọc, thông qua hoạt động hội sách, đã được khơi dậy và tiếp sức đáng kể, là có cơ sở. Dạo qua các hội sách kể trên, có thể thấy “trên trời, dưới sách”. Sách được xếp theo chủ đề. Sách được kết thành đủ các hình khối. Sách còn được dựng thành “con đường sách trên cao” (như ở hội sách Hoàng thành Thăng Long mới đây). Cảnh người đi hội sách kề vai sát cánh trước các gian hàng, tíu tít chọn chọn mua mua, rồi hân hoan khệ nệ mang những túi nặng sách ra về, rất đỗi quen thuộc. Thật ra rất khó có thể định tính văn hóa đọc “lên” hay “xuống” nếu chỉ căn cứ vào những hình ảnh bề nổi ấy. Nên chú ý rằng khu vực hút khách nhất trong các hội sách nói trên bao giờ cũng là những gian hàng sách giảm giá. Giảm phổ biến là 20 đến 30%, giảm sâu là 50 đến 70% giá bìa, thậm chí có những chỗ sách trở thành… hàng đồng giá với mức 5.000 hoặc 10.000 đồng/cuốn. Phải chăng cái sự tiêu thụ sách đầy phấn khởi ấy cũng có một nguyên nhân là từ tâm lý ham của rẻ mà ra?

Theo cung cách của nhiều hội chợ sách quốc tế thường niên có uy tín được tổ chức ở Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển… thì hiệu quả kinh tế của hội sách không ở việc bán được bao nhiêu sách, thu được bao nhiêu tiền, mà ở việc họ biến hội sách thành nơi gặp gỡ, trao đổi, thiết lập các mối quan hệ cộng tác, ký kết các hợp đồng bản quyền… giữa những người làm xuất bản thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Mặt khác, sự tác động của hội sách tới văn hóa đọc, chỉ xin được nói ngắn gọn: Nó không phản ánh ở việc bao nhiêu người đến hội sách và mang về bao nhiêu cuốn sách giảm giá, mà ở việc từ hội sách tạo ra những giao lưu, tương tác thật sự bổ ích giữa người viết sách và người đọc sách, giúp người viết tiếp cận nhu cầu của người đọc và người đọc hiểu sâu sắc hơn những cuốn sách hay. Đây đang là vấn đề còn để ngỏ, khi quan sát nhiều cuộc giao lưu tác giả và độc giả trong các hội sách vừa qua, hầu hết mới chỉ là những tương tác đơn tuyến. Tác giả nói vài câu, vài ba người bạn của tác giả nói vài câu (chủ yếu là những phát biểu cảm tưởng mang âm hưởng ca ngợi), còn đại đa số cử tọa trong khán phòng (đôi khi cử tọa cũng rất thưa thớt) thì… im lặng, nghe. Những cơ quan tổ chức hội sách ở ta rất nên tham khảo để có những bước điều chỉnh cần thiết.

Hội sách Mùa thu 2015 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) phối hợp các Nhà xuất bản: Phụ nữ, Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức từ ngày 29-10 đến 2-11, quy tụ hơn 5.000 tựa sách và khoảng 20 nghìn bản sách. Với mong muốn xây dựng các thư viện, tủ sách cho các gia đình, trong thời gian diễn ra hội sách, ban tổ chức mở nhiều cuộc tọa đàm, giao lưu, giới thiệu các tác phẩm mới có nội dung hay với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật tại Hà Nội.