Hội ngộ Trường Sa

NDO -

NDĐT - Trường Sa luôn ở trong tim những người lính hằng gắn bó với nơi này. Bây giờ, từ khắp các nẻo mưu sinh, những người lính Trường Sa năm nào tề tựu về đây, xúc động, tự hào...

Hội ngộ Trường Sa

Nha Trang. Đêm cuối Giêng, nhằm ngày dương lịch 24-2. Biển dịu dàng mơn man bờ bãi. Ngoài kia, phía phên dậu Trường Sa, muôn vàn đốm sáng thuyền ghe lấp lánh.

Đêm nay, Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa mời gần 600 đồng chí cán bộ, chiến sĩ từng công tác và chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa qua các thời kỳ về dự buổi họp mặt, giao lưu nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2017) và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình công tác, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá Lê Xuân Bạ, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, người hằng gắn bó với Cam Ranh, với Trường Sa từ năm 1975, cho biết, hiện có 671 hội viên đang sinh hoạt ở bốn ban liên lạc và 25 hội cơ sở. Do điều kiện sinh sống, công việc, lúc đầu, việc kết nối anh em là rất khó khăn. Nhờ tâm huyết, nhiệt tình của anh em, nhờ sự động viên, giúp đỡ của tỉnh, các ban liên lạc, các hội cơ sở đã từng bước thể hiện được vai trò là nơi tập hợp của anh em.

Hội ngộ Trường Sa ảnh 1

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Lữ quán Thiên Phước, từ nhiều năm nay, đã là địa chỉ thân thuộc của những cựu chiến binh Trường Sa qua nhiều thời kỳ. Từ khắp các nẻo mưu sinh trên mọi miền Tổ quốc, những người lính Trường Sa năm nào tề tựu về đây. Tay trong tay mà vui buổi trùng phùng. Mắt trong mắt cho vợi đi nỗi nhớ. Đồng đội đây rồi! Chiến hữu đây rồi! Đây đó nghe rộn ràng lời hỏi thăm ân cần về tình hình sức khỏe, gia đình, công việc... Gió lạnh. Nhưng nghe không gian thật ấm.

Thương binh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhân Lữ quán Thiên Phước, tất tả ngược xuôi công tác tổ chức vẫn không giấu được niềm xúc động lẫn tự hào. Tháng 2-1987, anh Nguyễn Văn Dũng lên đường ra phục vụ xây dựng, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa. Anh bị thương khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết. Rời quân ngũ, trở về đất liền, hành trang Nguyễn Văn Dũng mang theo là một chiếc ba-lô đong đầy ký ức về những khó khăn, gian khổ, thậm chí cả mất mát, hy sinh cũng như niềm tự hào khôn xiết về người lính Trường Sa.

Bận rộn trăm việc, lo mua bán, kinh doanh, nhưng anh Nguyễn Văn Dũng không nguôi nhớ về những đồng đội cũ. Anh tìm cách liên lạc rồi tham gia tổ chức kết nối anh em; tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Biết con em của đồng chí, đồng đội chưa có việc làm, anh Dũng nhận các cháu vào nhà hàng làm việc, với thu nhập ổn định. Cho nên, ở Lữ quán Thiên Phước có đội ngũ phục vụ toàn "tay ngang", không có nghiệp vụ là vậy. Khách phương xa tới, lúc đầu thấy cách phục vụ như vậy tỏ vẻ khó chịu, nhưng khi nghe được câu chuyện, ai nấy đều xúc động và chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khánh Hòa Ngô Mậu Chiến chia sẻ cùng anh em tâm tình của một người lính. Ông xúc động nhắc về những câu chuyện Trường Sa, những kỷ niệm trong các đợt công tác ra quần đảo Trường Sa và bày tỏ tin tưởng rằng những cựu chiến binh Trường Sa sẽ luôn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình hiện nay, sẽ mãi là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo về ý chí, nghị lực và niềm tin trong công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nhiều gian khổ và hy sinh.

Hội ngộ Trường Sa ảnh 2

Thương binh Nguyễn Văn Dũng ân cần thăm hỏi gia đình liệt sĩ Trường Sa.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng, chỉ huy trưởng cụm 2 Sinh Tồn, Trường Sa xúc động nói: Ngày 14-3-1988 trùng với ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn. Cho nên, ngày 27 tháng Giêng hàng năm là ngày giỗ của 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Ông đưa tôi xem một bức ảnh đen trắng đã cũ lắm và giải thích: đây là ảnh ông cùng tổ công tác lên cắm cờ trên đảo Len đao lúc 4 giờ chiều ngày 22-4-1988, trước sự áp sát, đe dọa của kẻ thù xâm lược. Đoạn, ông cất giọng đọc mấy câu thơ:

" ... Hôm nay gặp mặt nhau đây

Mà lòng ước hẹn tháng ngày một, hai

Cùng nhau đến viếng tượng đài

"Vòng tròn bất tử" những ai sống, còn

Đôi lời nhắn gửi cháu con

Trường Sa mãi mãi khắc tròn con tim..."

Trong không khí xúc động ấy, một cựu chiến binh Trường Sa đọc Thư chúc mừng Chương trình nghệ thuật Xuân Trường Sa 2017, đề ngày 16-1-2017, của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thư có đoạn viết: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn diễn ra gay gắt, chúng ta cần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước, của khối đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo về vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước"...

Tại buổi gặp gỡ này, anh em cựu chiến binh Trường Sa mời về dự và tặng quà sáu gia đình liệt sĩ Trường Sa. Chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh xúc động nói: "Chắc nhà tôi cũng ấm lòng khi đồng đội, anh em luôn nhớ tới mình. Bản thân tôi sẽ cố gắng...", chị nghẹn ngào dừng lại.

Chiếc bè nhỏ có cả hương khói, hoa quả cùng mâm cơm nhỏ tưởng dâng anh linh những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc đã được chuẩn bị tươm tất. Ngan ngát hương trầm. Dào dạt hoa đăng. Và vô vàn những cánh hoa nhỏ nhắn được chuẩn bị sẵn để cùng hòa mình vào biển mẹ, như muôn vạn tấc lòng ghi ơn sâu nặng của các thế hệ hôm nay gửi tới những người đã ngã xuống vì sự bình yên, trường tồn của núi sông, bờ cõi.

Tiếng quốc ca hòa cùng tiếng biển.

Rồi giai điệu "Hồn tử sĩ" trỗi lên, dìu dặt. Bè hoa đăng dập duềnh trôi trên sóng nước. Lung linh... Xa dần...

Tôi thấy có vài người lính lặng lẽ rút khăn tay.