Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, suốt hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn học đã bị đình trệ, công tác Hội phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Song, với sự ủng hộ của đông đảo hội viên và công chúng yêu văn học, về cơ bản, Hội đã đạt được những dấu ấn nhất định. Trong đó có thể kể tới Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, năm 2022 tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng tháng 6/2022; dự án đưa sách văn học đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa đã được Hội triển khai sôi nổi tại Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Trường Hy vọng (Đà Nẵng) - nơi đón nhận các em mồ côi trong đại dịch Covid-19…
Một số không gian văn học, văn hóa thuộc quản lý của Hội đã có kế hoạch dài hơi cho hoạt động tích cực hơn để từng bước trở thành điểm đến của bạn đọc, đặc biệt là học sinh, sinh viên, như Bảo tàng Văn học Việt Nam tại 175 Âu Cơ, Hà Nội.
Đáng chú ý, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ diễn ra trong không gian Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với nhiều hoạt động thu hút: tọa đàm, trưng bày sách, không gian ký ức về thi ca và điểm nhấn là chương trình thơ diễn ra vào buổi tối. Tổng thể chương trình sẽ được sắp đặt và dàn dựng bởi một ê-kíp sáng tạo trên tinh thần tôn vinh tác giả thơ, tôn vinh tinh thần đổi mới, lan tỏa của thi ca. Dự kiến mỗi năm, Hội sẽ tổ chức chương trình Ngày thơ Việt Nam tại một tỉnh, thành phố.
Năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp 44 hội viên mới. Cụ thể, có 19 hội viên thuộc chuyên ngành Thơ, 18 hội viên chuyên ngành Văn xuôi, bốn hội viên chuyên ngành Văn học thiếu nhi, hai hội viên chuyên ngành Lý luận phê bình và một hội viên Văn học dịch.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã họp nhất trí thông qua Giải thưởng Văn học năm 2022 trao cho năm tác giả và Giải thưởng Tác giả trẻ trao cho ba tác giả. Năm tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học năm 2022 gồm: Văn xuôi: tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh); Thơ: tập thơ “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh (NXB Hội Nhà văn) và tập thơ “Bóng của ý nghĩ” của Bảo Chân (NXB Thế Giới); Văn học dịch: tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz do Nguyễn Hữu Dũng dịch (NXB Văn Học); Văn học thiếu nhi: tập truyện dài “Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ (NXB Trẻ).
Ba tác giả đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022, gồm: Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên Huế) với tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh); Vĩ Hạ (Bình Thuận) với tập thơ “Đi tìm những bóng người” (NXB Hội Nhà văn); Trần Đức Tín (Cà Mau) với tập thơ “Chín nhánh da vàng” (NXB Hội Nhà văn).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, một trong những sự kiện được chờ đón nhất đó là Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức vào Nguyên tiêu xuân Quý Mão 2023. Sau 20 lần trong 20 năm được tổ chức ở Văn Miếu Quốc-Tử Giám và tổ chức online vào thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đây cũng là lần đầu tiên sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này được tổ chức tại không gian Hoàng thành Thăng Long.
Ngày Thơ Việt Nam năm nay có chủ đề “Nhịp điệu mới”. Toàn bộ không gian sẽ trở thành một “cõi thơ” với cổng thơ, đường thơ và nhiều nội dung tôn vinh tác giả, tác phẩm được đầu tư dàn dựng công phu. Sự kiện không chỉ có các nhà thơ xuất hiện trên sân khấu đọc thơ mà còn nhiều hoạt động phong phú của các nhà xuất bản, trường học… nhằm giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm hay, nội dung giao lưu, tọa đàm thú vị.