Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023

NDO - Từ ngày 19-22/9, Cục Quân y phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng, TS-BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) phát biểu khai mạc Hội nghị
Thiếu tướng, TS-BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 được tổ chức nhằm cập nhật, truyền tải những kiến thức, những công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng môi trường để các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các nhà nghiên cứu, các bác sĩ quan tâm tới chuyên ngành hồi sức, cấp cứu và chống độc thảo luận chuyên môn, trao đổi kiến thức.

Ngay từ khi có kế hoạch, thông báo tổ chức Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được nhiều đề tài, sáng kiến, báo cáo khoa học tham gia. Từ đó đã lựa chọn 48 báo cáo có chiều sâu, có giá trị thuộc các lĩnh vực trong chuyên ngành hồi sức, cấp cứu và chống độc để biên soạn Kỷ yếu hội nghị và đăng tạp chí Y học Quân sự. Các đồng nghiệp trong và ngoài quân đội có thể tham khảo, vận dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, báo cáo trong Kỷ yếu vào thực tế hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị có 4 báo cáo tại phiên toàn thể, 44 báo cáo tại 3 phiên chuyên đề (Chuyên đề 1: Hồi sức tim mạch, hô hấp, thần kinh, ngoại khoa. Chuyên đề 2: Nhiễm khuẩn, nhiễm độc, lọc máu. Chuyên đề 3: Điều dưỡng).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quân y nhấn mạnh: Hội nghị tập huấn hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thực hành hồi sức, cấp cứu, chống độc cơ bản và nâng cao. Qua đó, nâng cao năng lực xử lý cấp cứu, hồi sức, chống độc cho cán bộ, nhân viên quân y trong thực hành lâm sàng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân tại các tuyến quân y.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, ngành quân y đã không ngừng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngành quân y ở các tuyến được đầu tư trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, đi đôi với phát triển các chuyên ngành sâu, trong đó có chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, chống độc.

Thiếu tướng, TS, BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)

Hội nghị có nhiều tham luận từ các chuyên gia đầu ngành. GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức trình bày tham luận về Chẩn đoán và hồi sức chết não, trong đó cập nhật tình hình ghép tạng ở Việt Nam và trên thế giới.

Tham luận cho biết, những ca ghép tạng đầu tiên thành công trên thế giới lần lượt là: Ca ghép thận đầu tiên thành công ở Mỹ năm 1954, ghép phổi thành công đầu tiên năm 1962 tại Mỹ, ghép gan (1963, Mỹ), tim (1967, Nam Phi).

Tại khu vực Đông Nam Á: Ghép thận thành công lần lượt gồm: Thái Lan năm 1972, Malaysia năm 1975, Indonesia năm 1977. Ghép gan thành công tại Thái Lan năm 1987, Philipines năm 1988, Singapore năm 1990. Ghép tim thành công tại Thái Lan năm 1987, Singapore năm 1990, Philippines năm 1990, Malaysia năm 1997.

Tại Việt Nam, người cho sống thận năm 1992, cho gan nhi năm 2004 và cho phổi năm 2016. Người cho chết não thận và gan năm 2010, tim năm 2011 và phổi năm 2018. Người cho chết tim: thận năm 2016.

GS.TS Nguyễn Quốc Kính khẳng định chi phí ghép tạng tại Việt Nam hiện tại bằng 1/3 chi phí các nước khác trên thế giới.

Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 ảnh 2

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày với nhiều nội dung

PGS, TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã trình bày cập nhật vấn đề mới trong phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí đột quỵ não.

Theo bác sĩ Ngọc, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường giới hạn trong 3-4,5 giờ đầu, một số trường hợp có thể mở rộng lên 6-24 giờ. Thời gian được tính kể từ khi người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.

Để sơ cứu đối với bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ, cần bất động bệnh nhân, theo dõi mạch huyết áp, nhịp thở, tình trạng tri giác và thần kinh; cho bệnh nhân nằm đầu cao 30 độ, nếu hôn mê, cho nằm nghiêng sang một bên tránh hít phải các chất nôn, dịch tiết, kéo lưỡi tránh tụt lưỡi.

Bác sĩ Ngọc cho biết với tiêu chí thời gian trước 6 giờ kể từ khi khởi phát đối với bệnh viện có khả năng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, trước 3-4,5 giờ đối với bệnh viện chỉ tiến hành được thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, việc hiểu đúng về sơ cứu ngoại viện là rất quan trọng.

Tham gia Hội nghị có 72 học viên là bác sĩ thuộc tuyến bệnh xá cấp sư đoàn, học viện - nhà trường, vùng hải quân đã được cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành hồi sức, cấp cứu, chống độc.