Tham dự có đồng chí Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao cùng lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phía Nhật Bản có các ngài: Nikai Toshihiro, Chủ tịch; Hayashi Motoo, Tổng thư ký và các hạ nghị sĩ, nguyên hạ nghị sĩ Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam; Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, xúc tiến thương mại, du lịch, cùng hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội nghị nghị kết nối Thanh Hóa-Nhật Bản năm 2023 là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Lợi thế ở vùng duyên hải Thanh Hóa. |
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có tài nguyên đa dạng, nhân lực dồi dào, mạng lưới giao thông đồng bộ, thuận lợi, nhiều di tích, di sản, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác lợi thế cảng biển ở Nghi Sơn. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thanh Hóa-Nhật Bản phát triển nhanh chóng, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện có 17 dự án, khoảng 6,6 tỷ USD đầu tư từ Nhật Bản, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI vào Thanh Hóa.
Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao FDI nhất ở tỉnh Thanh Hóa, trong đó một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, có sức lan tỏa trong tỉnh, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi-măng, Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ Nhật Bản tài trợ 45,5 triệu USD thực hiện 10 chương trình, dự án ODA. Hơn 10 năm qua, Đại sứ quán Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ tỉnh Thanh Hóa về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục.
Thanh Hóa có 13.346 tu nghiệp sinh làm việc tại các xí nghiệp của Nhật Bản. Trong năm vừa qua, khách du lịch Nhật Bản đến Thanh Hóa chiếm 21,6% tổng lượt khách quốc tế, đóng góp 24,7% tổng doanh thu du lịch quốc tế.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ở khu kinh tế phía nam tỉnh Thanh Hóa. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao uy tín, vai trò, tầm quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản; mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án ODA, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị; cùng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư.
Tỉnh Thanh Hóa cam kết: “Luôn đồng hành, luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động bảo đảm chất lượng, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị kết nối Thanh Hóa-Nhật Bản. |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đăng cai, tích cực xây dựng ý tưởng, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức hội nghị; trân trọng những đóng góp, hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo, đại sứ, tổ chức hữu nghị, đoàn nghị sĩ Nhật Bản tại hội nghị.
Thông tin về cam kết chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo, nhân dân Việt Nam với Nhật Bản, tỉnh Thanh Hóa với chính khách, nhà đầu tư Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Hội nghị kết nối Thanh Hóa-Nhật Bản năm 2023 là dịp để hai bên cùng trao đổi những thông tin hữu ích, các ý tưởng hợp tác cụ thể, mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại hội nghị. |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục khẳng định bề dày quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa nguồn hỗ trợ ODA đầu tư hạ tầng, khai thác hiệu quả lợi thế cảng nước sâu ở Nghi Sơn cùng tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng ở Thanh Hóa, vùng quê địa linh, nhân kiệt.
Trong các phiên chuyên đề, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản thông tin về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam.
Chia sẻ về đóng góp của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong bảo đảm an ninh năng lượng ở Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản thông tin chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giới thiệu một số mô hình sản xuất thân thiện môi trường và cho rằng, phải triển khai, khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng hiện có và đưa công nghệ tiên tiến vào cơ sở sản xuất của các nhà máy lọc dầu nhằm giảm nguyên liệu hóa thạch hướng đến nguồn năng lượng xanh.
Phiên họp chuyên đề kết nối du lịch, giao lưu văn hóa Thanh Hóa-Nhật Bản. |
Đại diện các địa phương ở Nhật Bản thông tin về những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương cùng cơ hội hợp tác cùng phát triển. Các doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, vận hành các trung tâm thương mại; khai thác, kết nối, phát triển du lịch bền vững.