Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những nét mới, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm thống nhất nhận thức, chuyển hóa thành hành động thực tiễn ở địa phương?
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Để góp phần đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có cả thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 trên toàn cầu; ngay sau Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 25/3/2021, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết là công việc thường xuyên, thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt nhiệm kỳ.
Ứng phó dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay sau khi Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động thực hiện nghị quyết bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Phương thức này vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, vừa thu hút số lượng lớn đại biểu tham gia học tập, bảo đảm tính thời sự cao và thuận lợi cho công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình quán triệt, triển khai học tập nghị quyết của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết sát với tình hình địa phương, đơn vị; gắn với các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; liên hệ, vận dụng phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những công việc trước mắt cũng như lâu dài, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có lộ trình phù hợp gắn với phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị.
Việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết được tiến hành thường xuyên, sáng tạo, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với việc phổ biến, quán triệt, học tập, xây dựng chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy cấp dưới; tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", khi quán triệt, triển khai thì rầm rộ nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm.
Phóng viên: Hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đạt được những thành tựu nổi bật nào trong thực hiện phương châm lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhất là việc chủ động chỉnh đốn, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái đã được chỉ ra tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong hơn 2 năm qua tiếp tục khởi sắc. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt; kinh tế không ngừng phát triển, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, năm 2022 đạt 12,51%, quý I/2023 đạt 6,21%.
Năm vừa qua, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) đạt 252.672 tỷ đồng, gấp 1,34 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 2.924 USD, gấp 1,32 lần; thu ngân sách nhà nước đạt 51.138 tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, bình quân đạt 10,4%/năm.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,7%; toàn tỉnh hiện có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 352/465 xã đạt chuẩn NTM, 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 đạt 17,65%, năm 2022 đạt 17,88%. Lĩnh vực quy hoạch xây dựng đạt một số kết quả tích cực.
Thanh Hóa là tỉnh thứ tư trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Các ngành dịch vụ từng bước phục hồi và phát triển, đạt tăng trưởng bình quân 7,95%/năm. Hoạt động du lịch phát triển mạnh; năm 2022, Thanh Hóa đón 11,01 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần; tổng thu đạt 20.038 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2021.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) còn 4,99%. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố được tăng cường.
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho công tác đặc biệt quan trọng này, thực sự coi đây là nhiệm vụ then chốt.
Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở.
Những kết quả đạt được trong hơn hai năm qua tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Tỉnh Thanh Hóa rút ra những kinh nghiệm, bài học quý nào trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đề ra các giải pháp khả thi nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm gồm:
Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, giữ gìn và làm cao dầy hơn sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp, trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích chung và vì sự phát triển của tỉnh, của địa phương, đơn vị; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là, luôn bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá đúng tình hình, trên cơ sở đó chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản, giải pháp cụ thể để kịp thời phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả những khó khăn, thách thức và những vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ; ưu tiên giữ vững ổn định trong bối cảnh có nhiều biến động.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có những quyết sách và hành động phù hợp theo quy luật khách quan; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả.
Bốn là, tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần tự lực, tự cường; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển với chăm lo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Năm là, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời cán bộ có sai phạm; điều chuyển, thay thế cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
Tỉnh Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc; trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hóa tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải-cảng biển của khu vực và cả nước. Tỉnh tập trung khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Song song với các giải pháp về kinh tế, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội; tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
Thanh Hóa đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…
Tỉnh tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới...