Hội nghị COP26: Cần một ý chí chung

Thế giới đang đứng trước cơ hội thể hiện ý chí đoàn kết và hành động nhằm hạn chế mức gia tăng nhiệt Trái đất. Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tại Glasgow (Vương quốc Anh), là thời điểm quan trọng để đưa ra quyết định mang tính toàn cầu với cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo thế giới đang trên đà “lao dốc theo hướng thảm họa khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo các quốc gia giàu có cần làm nhiều hơn nữa để giúp các nước nghèo hơn. Theo Liên hợp quốc, tại COP26, các nước cần tăng cường tài trợ cho các nước đang phát triển để nâng cao khả năng thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Đây là nhân tố quan trọng giúp những quốc gia dễ bị tổn thương đối phó các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Hội nghị COP26 hy vọng chứng kiến con số kỷ lục về các quốc gia cam kết đạt mục tiêu đưa phát thải ròng các-bon về mức 0 vào năm 2050, cũng như số các chính phủ tham gia cơ chế Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Tính đến tháng 9, có 86 quốc gia và 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đóng góp cho NDC. EU đặt mục tiêu giảm phát thải ít nhất 55% vào năm 2030, trong khi Mỹ cam kết giảm 50% đến 52% lượng khí thải các-bon so với mức năm 2005. Trung Quốc, nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu “trung hòa các-bon” vào năm 2060...

Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là các nước phát triển cần thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các cam kết tài trợ đã không hoàn thành được vào năm 2020 như dự kiến. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một số nước trong đó Mỹ đã cam kết tăng khoản tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ khí hậu, song căn cứ trên các kế hoạch thực tế, các nước đang phát triển chỉ có thể tiếp cận khoảng 97 tỷ USD tài trợ vào năm 2022 và 106 tỷ USD vào năm 2023.

Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đối phó tác động tiêu cực về mặt kinh tế lẫn phi kinh tế từ tình trạng biến đổi khí hậu, là một trong những mục tiêu chính của COP26. Thế giới cần nhanh chóng hành động trước khi quá muộn. Tuy nhiên, từ cam kết đến hành động vẫn là một khoảng cách lớn và cần một ý chí chính trị chung của tất cả các nước, cũng như ý thức bảo vệ Trái đất, nơi sinh sống của cả nhân loại.