Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông qua 6 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội

Trong hai ngày 19 và 20/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ sáu khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại kỳ họp đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 bầu theo quy định và thông qua sáu nghị quyết quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh .
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí Chủ tọa kỳ họp.
Các đồng chí Chủ tọa kỳ họp.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; 4 Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, 3 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 19 Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông qua 6 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 bầu theo quy định.

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, xem xét và biểu quyết thông qua sáu nghị quyết: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 vốn ngân sách địa phương, tỉnh Tuyên Quang; Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sửa chữa, mở rộng mặt đường tuyến ĐT.185 đoạn từ Km184+510-Km201+250 huyện Lâm Bình; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt danh sách các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông qua 6 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại kỳ họp.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, kỳ họp chuyên đề lần thứ sáu, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận, xem xét thông qua sáu nghị quyết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh với tỷ lệ tán thành cao.

Còn hơn hai tháng nữa là hết năm 2023, để tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy và tình hình thực tế, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, trọng tâm là tập trung cao độ, nỗ lực tối đa nhằm triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông qua 6 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội ảnh 3
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đề nghị các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt trên 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng trên 4,6% so với năm 2022; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 29 nghìn tỷ đồng; thu hút trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.