Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Việc phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được bám sát theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức của Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên cũng quy định rõ tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của các địa phương để thực hiện các hạng mục công trình, dự án…
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã thông qua nghị quyết điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng khu vực miền trung và miền bắc Việt Nam - Dự án KfW9, giai đoạn 1 (tại tỉnh Phú Yên). Cụ thể địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn 5 huyện (Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An, Tây Hòa) và Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai; thời gian thực dự án: 7 năm (từ năm 2023 đến hết năm 2029).
Dự án nhằm đạt mục tiêu được hưởng lợi dài hạn về kinh tế và môi trường; bảo tồn và cải thiện nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học ở rừng tự nhiên thông qua tăng cường chức năng bảo vệ rừng. Tổng vốn thực hiện dự án: 3.650.000 Euro, tương đương 92,1 tỷ đồng (trong đó: vốn của nhà tài trợ KfW là 69,4 tỷ đồng; vốn ODA viện trợ không hoàn lại 37,8 tỷ đồng; vốn vay ODA là 31,5 tỷ đồng; Trung ương vay cấp phát 15,8 tỷ đồng; tỉnh Phú Yên vay lại 15,8 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh Phú Yên là 22,7 tỷ đồng).
Theo bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, đây là những nghị quyết quan trọng nhằm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Sau khi nghị quyết được ban hành và có hiệu lực, các cơ quan chuyên môn cần sớm thực hiện các dự án nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và bảo đảm tiến độ cam kết với các nhà tài trợ. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri; sự đồng hành với hệ thống chính trị của tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.