6 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Hà Giang duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 21,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 7.864 tỷ đồng, tăng 15,83%; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 148,5 triệu USD, tăng gần 7 lần so cùng kỳ.
Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt hơn 1,4 triệu lượt người, tăng 28,2% so cùng kỳ.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai 3 đột phá, 5 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra, nổi bật là khởi công các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang); nâng cấp các tuyến đường tỉnh Bắc Quang-Xín Mần, Yên Bình-Cốc Pài, Minh Ngọc-Mậu Duệ; khởi công đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang; hoàn thành cải tạo, nâng cấp bảo tàng tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Hà Giang còn triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài, trong đó đã hoàn thiện các quy trình, hồ sơ về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình kỳ họp lần này xem xét thông qua và trình Chính phủ phê duyệt.
Chương trình xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng bước đầu có hiệu quả. Chỉ số PCI năm 2022 tăng 18 bậc so năm 2021. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đó là: Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội thực hiện đạt thấp so cùng kỳ và kế hoạch năm đề ra, trong đó thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 37,3% so kế hoạch Trung ương giao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang nêu rõ những hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Cụ thể là vẫn còn một số bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa chủ động tham mưu, sợ trách nhiệm. Một số địa phương còn ỷ lại, trông chờ cấp trên, chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ.
Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, sẽ đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn.
Tỉnh làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Tỉnh xem xét, thảo luận và thông qua 30 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời thảo luận quyết định các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, như: Hỗ trợ phát triển du lịch; hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.