Nhìn chung, CNLĐ nước ta có tuổi đời trẻ, trình độ học vấn, nghề nghiệp khá hơn trước, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Một số ngành như dầu khí, hàng không, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông, xây dựng cầu, hầm, thủy điện, lắp máy… có chất lượng nguồn lao động cao. Tuy vậy, đại bộ phận CNLĐ trực tiếp sản xuất trình độ thấp, không đồng đều, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn yếu. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự kết nối mạnh mẽ của in-tơ-nét, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt dần dần thay thế lao động giản đơn, lao động trình độ thấp, ít kỹ năng, thì việc tuyên truyền, vận động CNLĐ tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống càng trở nên cấp thiết. Trước thực tế đó, tháng 10-2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để CNLĐ tại các doanh nghiệp (DN), nhất là CNLĐ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế tích cực học tập suốt đời, nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đề án, tất cả các chỉ tiêu đề án đưa ra đều chưa đạt.
Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, đó là do việc thiếu cơ chế, chính sách của Nhà nước, DN hỗ trợ CNLĐ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là tại các DN sử dụng lao động giản đơn, trình độ thấp, ít kỹ năng: chế biến thủy, hải sản, may mặc, da giày, hoặc có cơ chế, chính sách nhưng chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc giáo dục chính trị cho CNLĐ chưa có sự thay đổi căn bản, chưa xác định rõ nội dung, hình thức đưa kiến thức chính trị đến với CNLĐ dẫn đến tỷ lệ CNLĐ tham gia học chính trị rất thấp. Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho CNLĐ chưa sâu, mới dừng ở mức độ tuyên truyền, chưa tìm ra cách làm hiệu quả. Bên cạnh đó, việc CNLĐ có đời sống kinh tế khó khăn, thời gian làm việc căng thẳng, chưa quan tâm tới việc học tập, nâng cao trình độ, nhất là việc hoàn thiện chương trình THPT, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học đều cần thời gian, kinh phí và phải đến học tại các cơ sở giáo dục theo chương trình bắt buộc.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, nguồn lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tình trạng thiếu việc làm do rô-bốt thay thế sức người. Với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, trình độ học vấn chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật, chính trị, tác phong công nghiệp của CNLĐ còn nhiều hạn chế thì việc nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLĐ vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là lâu dài của cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục triển khai, thực hiện đề án, cần xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức công đoàn đóng vai trò quan trọng. Do đó, cần có sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo dạy về văn hóa, ngành lao động - thương binh và xã hội về dạy nghề cho CNLĐ. Việc học tập suốt đời của CNLĐ cần được các cấp công đoàn tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới phương thức tuyên truyền, phù hợp điều kiện làm việc, nhất là ở các DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nội dung học tập cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của CNLĐ. Có sự đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực, ngân sách T.Ư, địa phương hỗ trợ theo phân cấp quản lý để các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động học tập. Phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong thương lượng, đối thoại, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, vật chất, hỗ trợ CNLĐ học tập, thi tay nghề, thi thợ giỏi, xây dựng các mô hình điểm về học tập suốt đời trong CNLĐ.