Bí Thư Huyện ủy Trà Cú Dương Văn Triệu cho biết, huyện có 40.070 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm hơn 62%. Cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục đào tạo trong vùng đồng bào Khmer.
Đầu tư xây dựng trường lớp
Đối với việc đầu tư xây dựng trường lớp, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở, Trung học phổ thông huyện Trà Cú với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học bảo đảm; chất lượng đào tạo của nhà trường tiếp tục được nâng cao. Từ đó, nhà trường góp phần nâng cao chất lượng nhân lực và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ Khmer kế thừa.
3 xã Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên của huyện Trà Cú, trước đây chưa có trường cấp 3, học sinh Khmer ở đây phải tập trung về học tại huyện Trà Cú. Trường Trung học phổ thông Long Hiệp được xây dựng và đưa vào hoạt động giúp cho hàng nghìn học sinh nơi đây thuận tiện hơn trong việc cắp sách đến trường. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động được nhà tài trợ hỗ trợ đầu tư các công trình xây mới phòng học. Dự kiến, năm học mới này, nhà trường có khoảng 400 học sinh các khối lớp 10, 11, 12 theo học.
Tại huyện Tiểu Cần, chuẩn bị cho năm học mới các xã, thị trấn tiếp tục đầu tư xây mới phòng học, nhà vệ sinh học đường, hàng rào và nhiều hạng mục khác. Hiện, huyện có gần 100% phòng học được kiên cố hóa. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiểu Cần, hằng năm tỷ lệ trẻ độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt từ 90%, trở lên, tiểu học đạt gần 100%, trung học cơ sơ đạt trên 98%. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn. Ngoài ra, đến nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trung tâm học tập cộng đồng.
Bí thư Huyện ủy Trà Cú Dương Văn Triệu nhấn mạnh, Ban Giám hiệu các trường họp và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ngăn ngừa, kéo giảm và tích cực vận động học sinh Khmer bỏ học trở lại lớp. Mạng lưới trường lớp chưa được đầu tư bao phủ, đó cũng là nguyên nhân trước đây tỷ lệ học sinh huyện Trà Cú bỏ học giữa chừng cao.
Năm học mới “im ắng” khi đang giãn cách xã hội
Những ngày đầu tháng 9 này tỉnh siết chặt thực hiện giãn cách xã hội, để bảo đảm sức khỏe của bản thân, gia đình, chị Thạch Thị Trang, khóm 10, phường 9, thành phố Trà Vinh không ra khỏi nhà. Chị chia sẻ: năm học trước, hằng ngày chị luôn nhắc nhở con là Sơn Vi Sách, học sinh khối 6, Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Châu Thành phải đeo khẩu trang và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ khi cắp sách đến trường.
Thời điểm hiện tại, năm học mới bắt đầu, Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Châu Thành được trưng dụng làm khu cách ly tập trung F1. Chị Thạch Thị Trang cho biết thêm, giáo viên chủ nhiệm điện thoại thông báo danh sách lớp, yêu cầu kết bạn Zalo để tiện lợi trong việc trao đổi thông tin và có khả năng học online qua môi trường internet. Tuy nhiên, chị vẫn thấy lo lắng, tới đây khi học sinh được đến trường học, việc phun hóa chất, khử khuẩn, vệ sinh trường lớp có bảo đảm, vì hiện nay trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Thạch Tha Lai cho biết, năm học mới ngành giáo dục tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số; phối hợp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Triển khai hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì việc dạy và học tiếng Khmer tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Pali-Khmer, các điểm trường dạy và học tiếng Khmer…
Tạm dừng việc dạy tiếng nói và chữ viết Khmer trong mùa dịch
Sư cả Thạch Tho, Trụ trì Chùa Phướng khóm 1, phường 7, thành phố Trà Vinh cho biết: “Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, hằng năm chùa mở 2 lớp dạy Pali-Khmer có 20 tăng sinh, học sinh theo học, mở 5 lớp dạy chữ Khmer bậc tiểu học trong dịp hè với số lượng gần 200 học sinh. Từ tháng 5/2021 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội, sư cho tạm dừng hoạt động dạy và học trong nhà chùa”.
Trò chuyện với ông Lâm Hữu Bình, giáo viên dạy chữ Khmer tại chùa Sóc Cục, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành chúng tôi được biết, thầy Bình với chức sắc trong Phật giáo Nam tông là À Cha rất có uy tín đối với đồng bào Khmer. Ngoài việc gương mẫu sống “tốt đời đẹp đạo” thầy luôn tuyên truyền, nhắc nhở tín đồ Phật giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở cơ sở do địa phương phát động, sống tốt đời đẹp đạo. Trong dịp hè, thầy không thể dạy học do dịch Covid-19 bùng phát. Thầy tin rằng, sau đợt thực hiện giãn cách xã hội lần này tỉnh sẽ kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, mọi hoạt động học tập của học sinh sớm trở lại bình thường.
Học sinh Sơn Vi Sách, Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Châu Thành thích thú kể: “Em thấy rất hứng thú với việc học chữ Khmer trong dịp hè tại chùa Phướng. Sư cả Thạch Tho đã giúp em rất nhiều trong việc rèn đọc, viết chữ Khmer. Hằng ngày, từ 19 giờ là chúng em có mặt tại lớp của chùa và tan học lúc 22 giờ. Tại đây, chúng em còn được giáo viên dạy chữ và kiến thức về văn hóa, gia đình. Em rất vui, hạnh phúc khi biết đọc, viết được chữ của dân tộc mình”.