Học giả Trung Quốc giải mã động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

NDO - Hãng truyền thông hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính-kinh tế YICAI vừa đăng bài viết của học giả Trương Nhuệ, giáo sư kinh tế học, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu thị trường Trung Quốc với tựa đề "GDP tăng trưởng hơn 8%, đâu là động lực của nền kinh tế Việt Nam".
0:00 / 0:00
0:00
Thông quan hàng hóa giữa Trung Quốc với Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Quảng Tây. (Ảnh: People.com.cn)
Thông quan hàng hóa giữa Trung Quốc với Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Quảng Tây. (Ảnh: People.com.cn)

Ngay ở đầu bài viết, tác giả đã khẳng định, dù xét ở phạm vi toàn cầu hay khu vực châu Á, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đều có thể được coi là nhanh nhất, với mức tăng GDP đạt 8,02%, cao nhất trong vòng 25 năm qua, vượt xa dự kiến ban đầu là 6-6,5%.

Nền kinh tế Việt Nam có động lực nội sinh mạnh mẽ đến từ tiêu dùng trong nước; đồng thời, nhu cầu bên ngoài cũng có tác động không kém đến nền kinh tế; từ đó tạo nên bố cục tương đối cân bằng giữa động lực từ nhu cầu trong nước và bên ngoài.

Điểm nhấn từ mức tăng trưởng cao

Theo giáo sư Trương Nhuệ, GDP Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD (đạt 409 tỷ USD), bình quân đầu người khoảng 4.110 USD, cả hai chỉ số đều đạt mức cao kỷ lục. Điều quan trọng hơn là, nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng, mà còn có sự nhảy vọt về chất.

Một là, người dân được hưởng lợi rõ nét từ tăng trưởng. Nhìn từ góc độ kinh tế học, GDP và NI (thu nhập quốc dân) là 2 khái niệm khác nhau. Nếu như GDP phản ánh những giá trị kinh tế do toàn bộ lực lượng lao động tạo ra, kể cả công dân nước mình và nước ngoài; thì NI phản ánh thu nhập thực tế của người dân một nước, sẽ có ý nghĩa thiết thực nếu đạt mức tăng cao hơn GDP bình quân.

Mức thu nhập bình quân của người dân đạt 4,6 triệu đồng/tháng, tương đương 55,2 triệu/năm, tăng 9,5% so cùng kỳ, vượt trên mức tăng GDP, chứng tỏ phần lớn thành quả từ phát triển kinh tế được người dân thụ hưởng.

Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát trong nước chỉ ở mức 3,15%, tỷ lệ thất nghiệp 3,3%, cho thấy những rủi ro tiêu cực mà người dân gặp phải trong cuộc sống và công việc từ quá trình tăng trưởng cao là tương đối nhỏ.

Hai là, cơ cấu kinh tế có xu hướng cân bằng, hài hòa, thể hiện ở mức tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế của cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; tăng trưởng khá đồng đều ở các tỉnh, thành phố, vùng miền trong cả nước.

Đáng chú ý, ngành chế tạo tăng trưởng tới 8,1%, sản lượng lương thực ổn định, bình quân đầu người đạt hơn 200kg, đứng ở nhóm hàng đầu ở khu vực châu Á, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Ba là, động lực tăng trưởng mạnh mẽ, ngành bán lẻ tăng tới 10,15%, tổng giá trị bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ tăng tới 19,8%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.

Động lực từ nhiều giải pháp đồng bộ

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7%, rồi giảm mạnh xuống 2,91% và 2,58% trong hai năm bùng phát đại dịch, giáo sư Trương Nhuệ đánh giá, Việt Nam đã sớm nới lỏng biện pháp phòng dịch và mở cửa trở lại, tạo ra mức tăng tới 13,67% ngay trong quý đầu tiên, từ đó đẩy GDP cả năm tăng cao kỷ lục, chứng tỏ nền kinh tế đã đạt được sự "tăng trưởng bù hậu đại dịch".

Theo lý giải của vị học giả Trung Quốc, một nguyên nhân quan trọng là đồng tiền Việt Nam đã giữ được sức bật mạnh mẽ trong bối cảnh đồng tiền của các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt mất giá với biên độ lớn khi đồng USD lên giá. Việt Nam đồng chỉ giảm giá nhẹ 4% trong năm 2022, là nhờ tỷ giá được hỗ trợ bởi nền tảng vững chắc từ xuất siêu và kim ngạch xuất khẩu, tạo dư địa rộng lớn để cơ quan quản lý tiền tệ có thể điều chỉnh chính sách linh hoạt và chắc chắn hơn. Hai lần điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy mức độ thắt chặt tiền tệ của Việt Nam là tương đối nhỏ so các nền kinh tế khác, bảo đảm cho thanh khoản dồi dào và ổn định cho kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ các chủ thể kinh tế có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh với chi phí tài chính thấp hơn.

Đáng chú ý, môi trường tự do thương mại thông thoáng và tiện lợi, đã phát huy vai trò thúc đẩy rõ nét đối với xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Trương Nhuệ cho biết, ngoài việc đạt được Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu, là thành viên của ASEAN, Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực hơn 1 năm nay, nhờ đó các mặt hàng nông sản, thủy hải sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam có thể thâm nhập thị trường rộng lớn với chi phí thấp, thậm chí bằng 0.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn, nhất là các nước châu Á: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 4 nhà đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam. Trong báo cáo đánh giá tác động của RCEP, Hiệp định này đã đóng góp hơn 10% đối với xuất khẩu của Việt Nam năm 2022, thúc đẩy tạo 1,1 triệu việc làm trong nước.

Tương phản với dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) rằng tổng dòng vốn FDI toàn cầu giảm hoặc chỉ bằng năm trước, Việt Nam đã thu hút được 22,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 13,5% so năm trước, đạt mức kỷ lục về FDI thu hút được trong vòng 5 năm. Sự đầu tư này đã giúp Việt Nam tạo ra các sản phẩm cạnh tranh, từ đó thâm nhập sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu, có vị thế cao hơn chuỗi ngành sản xuất quốc tế.

Tối ưu hóa tiềm năng dài hạn

Giáo sư Trương Nhuệ đánh giá, dựa trên các nguồn lực có được từ đổi mới thể chế, Việt Nam đang nỗ lực tạo ra nhiều nguồn lực dồi dào hơn, như xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông và năng lượng là trọng tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư. Ngoài ra, tỷ lệ nợ nước ngoài trong tài chính công thấp hơn nhiều mức bình quân của các thị trường mới nổi, cộng thêm tình hình tài chính ổn định và tăng trưởng kinh tế, đã khiến cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn là Moody's, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Ngoài các động lực từ cải cách và đổi mới thể chế cũng như tích lũy từ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam còn có nhiều nguồn lực và lợi thế rất rõ nét, trong đó không thể không kể đến lợi thế về dân số, các nhà đầu tư Nhật Bản, Singrapore, Hàn Quốc... đến xây dựng các cơ sở sản xuất bởi nguồn lao động giá rẻ, dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nhân lực, dự báo tiếp tục gia tăng dân số trong 10 năm tới, bảo đảm nguồn cung nhân lực trong dài hạn.

Theo học giả Trung Quốc, với môi trường bên ngoài thuận lợi như mạng lưới hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ kinh tế-thương mại, nguồn vốn vay ưu đãi và ODA dồi dào, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu thu hút 36 tỷ đến 38 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023, với trọng tâm là các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa tích cực và liên kết với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nỗ lực xây dựng và phát triển để sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới và trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và thế giới.