Hoạt động nhân đạo vì cộng đồng

Nhiều mô hình nhân đạo đã được Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng và các cấp triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm qua, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mô hình cũng đã thay đổi để phù hợp điều kiện, mong muốn mang lại sự sẻ chia, cùng người dân vượt qua khó khăn.

Tình nguyện viên đến bệnh viện hiến máu tại Ðà Nẵng.
Tình nguyện viên đến bệnh viện hiến máu tại Ðà Nẵng.

Trong một lần thấy Câu lạc bộ máu nóng Sống để yêu thương (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng) kêu gọi hiến máu tập trung, không ngần ngại, Phạm Văn Lê Ðức (sinh năm 1993) đã đăng ký tham gia. Sau lần đó, anh chính thức kết nối thường xuyên với câu lạc bộ (CLB) và tham gia nhiều hoạt động chung, làm tình nguyện viên hỗ trợ hiến máu.

Khoảng thời gian thành phố thực hiện quy định "ai ở đâu, ở yên đó", một buổi tối Ðức nhận được thông tin cần có người hiến máu, hiến tiểu cầu cho trường hợp đang mổ cấp cứu, anh đã nhanh chóng đăng ký. Các chốt kiểm soát cũng tạo điều kiện qua chốt khi anh có tin nhắn thông báo tới hiến máu. "Lúc đó, cảm giác như mình được nhận "nhiệm vụ" quan trọng. Ðó là một ca mổ khó và kéo dài. Khi mình tới viện, ai cũng mừng vì lúc đó cảm giác dịch bệnh đều như biến mất, chỉ còn lại tình người!"-Ðức nhớ lại.

Có mặt tại điểm hiến máu của bệnh viện để đón người tới hiến, hỗ trợ các thủ tục, phát khẩu trang và giúp mọi người lưu lại những hình ảnh, đó cũng là khoảng thời gian tất cả các tình nguyện viên, thành viên của CLB máu nóng Sống để yêu thương nhớ mãi. Mặc dù có người chưa tiêm mũi vắc-xin nào, nhưng khi thấy thông báo cần hiến máu đều sẵn sàng đăng ký để tham gia. Mỗi giờ chỉ được 50 người tới để bảo đảm giãn cách và chỉ lấy trong buổi sáng, trong chín ngày liên tục của đầu tháng 9, hoạt động hiến máu luôn được duy trì. Tuy phải nhiều thủ tục như test nhanh Covid-19, sát khuẩn, đo thân nhiệt, đeo mũ chống giọt bắn, khai báo y tế, xếp hàng chờ tới lượt… nhưng ai cũng vui vẻ thực hiện.

Chủ nhiệm CLB Huỳnh Thị Thanh Tuyền chia sẻ: "Thời gian đó, mọi hoạt động đều khó khăn hơn so với những ngày bình thường. Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn do Covid-19 gây ra, chúng tôi không muốn có thêm người nào bị nguy kịch vì thiếu máu. Do vậy, tất cả đều cố gắng để thực hiện phần việc của mình".

Ðây là một trong rất nhiều CLB, đội/nhóm hiến máu tình nguyện trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố và các cấp hội đã có nhiều sáng kiến và phương thức vận động hiến máu tình nguyện của mình. Chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9, đã có 4.190 đơn vị máu được hiến từ hàng nghìn tình nguyện viên. Qua đó, đã góp phần bảo đảm nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng.

Nhận được thông tin ngư dân Ðà Nẵng sẽ được hỗ trợ 1.000 áo phao đa năng, ngay khi trở lại trạng thái "bình thường mới", Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng đã nhanh chóng rà soát, kiểm tra và tiến hành trao cho các ngư dân trước mùa mưa bão. Những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc chín phường của hai quận ven biển Thanh Khê và Sơn Trà đã được chọn để trao tặng lần này.

Hai vợ chồng ngư dân Lê Pha (phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà) cùng làm nghề câu trên biển ngắn ngày. Nhiều tháng nay, cả nhà tạm dừng nghỉ việc vì dịch bệnh, rồi vào mùa mưa thời tiết không ổn định, lại thuyền nhỏ nên vẫn chưa đi biển trở lại.

Nhận được bộ áo phao với nhiều chức năng như giữ ấm, trữ lương thực, còi báo hiệu, đèn pin, kính bảo vệ mắt… anh Pha xúc động nói: "Mấy chục năm hành nghề trên biển, cũng đã gặp phải nhiều rủi ro, nhưng tôi cùng vợ và bạn thuyền luôn cố gắng nỗ lực vươn khơi. Nay nhận được áo phao với nhiều chức năng hỗ trợ tôi rất vui, cảm thấy an toàn hơn cho bản thân, nhất là vào giai đoạn thời tiết mưa nhiều và sẵn sàng hơn cho chuyến đi biển mới".

Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng cũng hướng dẫn các ngư dân sử dụng hiệu quả bộ áo phao đa năng được trao tặng. Bên cạnh đó, Hội quan tâm, truyền thông, cùng ngư dân an toàn ra khơi, bám biển, góp phần giảm nhẹ rủi ro trên biển do thiên tai gây ra.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng Lê Thị Như Hồng cho biết: "Nhiều mô hình vẫn được chúng tôi duy trì như địa chỉ nhân đạo, sơ cấp cứu cộng đồng, hiến tặng mô tạng, Tết vì người nghèo, Tháng nhân đạo… Bên cạnh đó, một số hoạt động cũng được Hội và các cấp linh hoạt thực hiện phù hợp tình hình địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình, nhằm mang đến những hoạt động đúng nghĩa, đạt hiệu quả cao vì một cộng đồng an toàn, khỏe mạnh".

BÙI THỊ THANH TÂM