Hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để nâng cao năng suất lao động

NDO - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam; đồng thời, quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy năng suất lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) phát biểu ý kiến tại hội trường chiều 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) phát biểu ý kiến tại hội trường chiều 28/10. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó vấn đề năng suất lao động là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về năng suất lao động

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước thực hiện cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất bị đánh giá không đạt, khi ước thực hiện cả năm là 3,8-4,3%, thấp hơn mục tiêu 5,5%.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đánh giá cao những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, song đại biểu băn khoăn trước một nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động: vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng?

Cùng với đó là bài toán chênh lệch cung cầu, vừa thừa vừa thiếu lao động; làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các cơ hội việc làm mới hậu Covid-19.

Đại biểu phân tích, nguyên nhân gây chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động một phần do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động.

Ngoài ra, sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường cũng là một yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng nói trên. Cụ thể, các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20%-25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản.

Hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để nâng cao năng suất lao động ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Trước thực tế đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng tiền lương quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút nhân được chất lượng cao.

Đề cập đến vấn đề tăng tính công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về năng suất lao động, đại biểu đề xuất sớm hoàn thiện thống kê, công bố đầy đủ, minh bạch hơn về các chỉ tiêu năng suất lao động của các địa phương, ngành, lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp để hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động.

Đề xuất bổ sung mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội

Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ lại chưa phân tích rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một nội dung quan mà nhìn vào đó có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động. Đó là yếu tố cơ bản, quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để nâng cao năng suất lao động ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt.

Đại biểu đồng tình với hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, nhưng cho rằng những giải pháp này chỉ mang tính tổng thể, an toàn chứ chưa phải giải pháp có tính đột phá. Xuất phát từ kết quả thực tế năm 2022 và mục tiêu năm 2023, so sánh với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của năm 2022, năm 2021 và một số năm trước đó thì không có sự khác biệt nhiều.

Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét bổ sung vào mục tiêu tổng quát thêm một mục tiêu là cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội.

Cùng với đó, nhấn mạnh các giải pháp đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động, nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.