Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo

NDO - Trước những yêu cầu thực tiễn mới của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) đã biểu quyết và thống nhất kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn tiếp theo, trong đó trọng tâm là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất; phát triển hệ sinh thái theo chiều sâu, phát triển hệ sinh thái theo ngành, lĩnh vực, địa phương và lấy hệ thống trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo làm hạt nhân phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Điều hành Đề án 844 họp toàn thể đánh giá kết quả đã đạt được năm 2023.
Ban Điều hành Đề án 844 họp toàn thể đánh giá kết quả đã đạt được năm 2023.

Sáng 28/3, Ban Điều hành Đề án 844 đã tổ chức buổi họp toàn thể nhằm đánh giá kết quả đã đạt được của Đề án năm 2023, thông qua kế hoạch hoạt động năm 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động Đề án những năm tiếp theo.

Cuộc họp năm 2024 của Ban Điều hành Đề án 844 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tiến tới năm 2025 là năm cuối triển khai Đề án, sẽ cần có hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả Đề án cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2025, từ đó, nghiên cứu, xây dựng chương trình Đề án cho giai đoạn tiếp theo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn khó khăn chung trên toàn thế giới, gắn liền với những nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy với nhiều hoạt động xây dựng chính sách, kết nối thu hút nguồn lực quốc tế, phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Năm 2023, dù vẫn duy trì thứ hạng trong tốp 60, Việt Nam đã giảm 4 bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink), xếp thứ 58/100 so thứ hạng 54/100 trong năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Á, lần lượt là 12 và 5.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo ảnh 2

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại buổi họp.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, với nhiều mô hình hoạt động khác nhau. Các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, giao cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội (Đề án 844, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - Đề án 939, Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp - Đề án 1665, Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…) được triển khai tích cực, có sự phối hợp, liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững, toàn diện.

Trong giai đoạn tiếp theo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách.

Ban Điều hành Đề án 844 cũng đã thảo luận và đề xuất những chính sách ưu đãi, khuyến khích mang tính trọng tâm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức đổi mới sáng tạo, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn... một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm tạo… cho khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc hình thành, thúc đẩy và phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trên toàn quốc cũng là một trong những trọng tâm thảo luận. Các trung tâm ở khu vực công về cơ bản là đơn vị sự nghiệp công lập, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng về cơ chế, tổ chức, hoạt động và các ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước để bảo đảm các hoạt động diễn ra thực chất, có hiệu quả.

Ban Điều hành Đề án cũng thảo luận và thống nhất về việc tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 trong năm 2024-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ chương trình quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2026-2035.