Đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện, với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư... Những tiềm năng và thách thức đối với doanh nghiệp và tập đoàn tại Việt Nam được tổng hợp thông qua phân tích chuyên sâu về xu hướng đổi mới sáng tạo, xu hướng công nghệ trên thế giới, khu vực và tình hình cụ thể tại Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất một số cách thức tiếp cận và hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp tiến tới đổi mới sáng tạo mở.
Chủ đề của báo cáo năm nay là “Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo”, với 3 cuốn nội dung riêng.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam
Cuốn thứ nhất - “Thế giới 2030 - Những xu hướng sẽ định hình tương lai”- tập trung vào các xu hướng và cách thức đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và tập đoàn; 12 ưu tiên của nhà lãnh đạo trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phức tạp; phân tích sâu về sự trỗi dậy của các loại hình kinh tế mới và xu hướng trong 3 lĩnh vực: Sales và Marketing 4.0; An ninh mạng và bảo mật dữ liệu; Ứng dụng của Blockchain. Bên cạnh đó, khẳng định lại tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp.
Báo cáo được trình bày trong ba cuốn sách. |
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 được đề cập trong cuốn thứ 2 với việc tổng kết tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2023; kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng đổi mới sáng tạo của Nhà nước, doanh nghiệp và startup kể từ năm 2022.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo thế giới so 2023, tuy nhiên, tình hình đầu tư công nghệ năm qua nhìn chung đã chững lại do suy thoái chung trên toàn cầu.
Một trong những điểm mới quan trọng trong báo cáo năm nay thể hiện ở cuốn thứ ba "Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo". Theo đó, cuốn này giới thiệu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc, Israel, khu vực Vịnh Lớn (Quảng Đông-Macau, Trung Quốc); Thái Lan và Singapore...
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) kiêm Giám đốc Đề án 844 cho rằng, báo cáo có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam, nhất là trong sự vận động của các xu hướng từ quốc tế.
Từ các kết quả phân tích của báo cáo năm nay, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và là Trưởng Ban dự án Báo cáo chia sẻ: Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Trước những biến động khó lường về địa chính trị và địa kinh tế như hiện nay thì nhiều dự báo cho thấy năm 2024 sẽ vẫn tiếp tục là một năm với rất nhiều thách thức. Tin rằng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tìm được những thông tin có giá trị và gợi mở những định hướng phát triển cần thiết từ Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở năm 2023.