Hành lang pháp lý cho hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng.
Ảnh minh họa: Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng.

Để hình thành và phát triển hơn nữa các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ khi triển khai Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2016 đến nay, từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động thứ hai trong số sáu quốc gia lớn nhất ASEAN, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng hai bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57, trong đó đầu vào đổi mới sáng tạo gồm năm trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Đầu ra đổi mới sáng tạo cũng tăng một bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40, trong đó, đầu ra đổi mới sáng tạo gồm hai trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo. Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú.

Sau đại dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú.

Điển hình như gần 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động; nhiều trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Những con số trên cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang trên đà phát triển và thể hiện tiềm năng mạnh mẽ.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội.

Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, những hoạt động khác cần được tiếp tục đẩy mạnh như nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế, chính sách tài chính cho việc vận hành, phát triển các trung tâm, cơ chế tài chính cho việc cung cấp các dịch vụ công, các chương trình, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài...

Các hoạt động này cần nhiều cơ chế, chính sách đột phá, nhất là trong việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các cơ chế nhằm phát triển thị trường, thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế một cách thuận lợi hơn.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất đa dạng, hiện nhiều bên làm, với nhiều cách thức khác nhau, từ trung ương đến địa phương, từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn đến các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quốc tế.

Việc phối hợp, liên kết các nguồn lực với nhau là vấn đề cần đặt ra, nhất là hợp tác công-tư, hợp tác ba bên: Nhà trường-nhà quản lý-nhà doanh nghiệp, hợp tác trong nước-nước ngoài…

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, việc phát triển các trung tâm cần thiết nhất là những nguồn lực mềm, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực con người. Con người để vận hành, quản lý các chương trình trong trung tâm, chuyên gia từ doanh nghiệp để tư vấn, cố vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, và các nhà sáng lập từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu. Do đó, phải có những chương trình để khai thác, gắn kết các nguồn lực này.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như được giao tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong tổng thể triển khai xây dựng hệ sinh thái quốc gia, kết nối và liên kết các nguồn lực trong nước, nước ngoài cho hệ sinh thái.

Thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các địa phương, nhất là tại các nơi có hệ sinh thái mới hình thành.

Các địa phương cũng cần xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái riêng của mình, trên cơ sở khai thác nguồn lực, thế mạnh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.