Hoàn thiện Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

NDO -

Với sự nỗ lực, quyết tâm của bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển,trong năm 2021 công tác chống khai thác chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã đạt được những kết quả quan trọng: hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước…

Tàu cá cập cảng Hới, thành phố Sầm Sơn–Thanh Hóa. (Ảnh: Mai Luận)
Tàu cá cập cảng Hới, thành phố Sầm Sơn–Thanh Hóa. (Ảnh: Mai Luận)

Quan trọng hơn, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022 Việt Nam gỡ “Thẻ vàng” của EC, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản đã chủ động rà soát, kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định pháp luật để xây dựng Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 (viết tắt là Đề án)…

Hiện nay, Đề án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt với một số trọng tâm chính như sau:  Mục tiêu chung của Đề án là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong đó bao gồm những mục tiêu cụ thể như: Giai đoạn 2021–2022, hoạt động tuyên truyền, truyền thông trong nước và quốc tế được thực hiện đa dạng về nội dung và hình thức nhằm nâng cao nhận thức, hình ảnh về phòng, chống khai thác IUU và nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý, chính sách phát triển nghề cá, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, định mức kỹ thuật về quản lý tàu cá và cảng cá. Hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động thủy sản. Giám sát 100% sản lượng thủy sản từ khai thác được bốc dỡ qua cảng cá. Thống nhất mô hình tổ chức cảng cá, mô hình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương; bố trí đủ nguồn lực, trang thiết bị để nâng cao năng lực quản lý nghề cá tại cảng cá. Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, phấn đấu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Giai đoạn 2023–2025, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trước khi xuất cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định (Giấy phép khai thác thủy sản; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Đăng ký, đăng kiểm; Thiết bị giám sát hành trình tàu cá đang hoạt động; Danh bạ thuyền viên…). Thực hiện cam kết, nghĩa vụ của Việt Nam đối với các Hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Duy trì, không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài…

Đề án được triển khai trong giai đoạn 2021–2025, với sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tàu cá khai thác thủy sản trên biển; Hội/Hiệp hội nghề cá và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương đầu tư nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển đồng bộ, hiện đại; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thanh, kiểm tra hàng hải sản nhập khẩu vào Việt Nam như Công an, Quốc Phòng, Ngoại giao và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp hợp tác khai thác hải sản với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hợp pháp.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và thực thi nghiêm pháp luật về chống khai thác IUU, kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm; đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá thuộc thẩm quyền quản lý, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm đầu tư, kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý thủy sản tại địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động ngư dân thay đổi thói quen cũ, nhận thức rõ các hành vi vi phạm và tự giác tuân thủ các quy định về khai thác thuỷ sản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề thủy sản, các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục chung tay, tích cực tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU...