“Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện” là một bộ tiểu thuyết chương hồi vào loại cổ nhất nước ta, viết về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh - dòng họ lớn cư trú gần 600 năm ở vùng đất Nghệ An và có nhiều danh nhân, danh tướng, nhà văn hóa, lương y trong lịch sử Việt Nam như: Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà, Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan...
Cuốn sách bao gồm 4 hồi, 16 tiết, mỗi hồi 4 tiết, được trình bày dưới dạng văn xuôi, xen thêm một số loại văn biền ngẫu (thư, chế, sắc, câu đối) hoặc văn vần (thơ, tán) trong nhiều hồi nhiều tiết. Ngoài ra, sách còn có phần lời giới thiệu của Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam, của Giáo sư Trần Nghĩa và của dịch giả Nguyễn Thị Thảo. “Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện” thuộc nhóm sách Góc Nhìn Sử Việt của Omega Plus, phù hợp với đối tượng các độc giả yêu thích lịch sử và quan tâm tìm hiểu về các dòng họ, đặc biệt là dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam.
Theo thông lệ, 10 năm một lần, nhân dân và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh lại tề tựu về Đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tổ chức, tham dự lễ hội “Thập niên sự lệ” với quy mô lớn, nhằm ca ngợi và giáo dục về truyền thống vẻ vang của một dòng họ “Trung, Cần, Nhân, Nghĩa”. Cuối năm 2023, lại một lần nữa, dòng họ Nguyễn Cảnh được thêm một vinh dự: Lễ hội “Thập niên sự lệ” tại Đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan của dòng họ được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Năm Giáp Thìn - 2024 này cũng là một cột mốc quan trọng, khi đánh dấu bề dày lịch sử 360 năm của đại lễ “Thập niên sự lệ”.
Ngoài hệ thống di sản nói trên, tổ tiên dòng họ còn để lại cho đất nước và con cháu một cuốn gia phổ, song lại được xếp vào hàng quốc sử Việt Nam. Đó là “Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện”, một di sản văn hóa của đất nước. Đây là cuốn gia phổ được người trong dòng họ Nguyễn Cảnh viết vào khoảng thế kỷ XVII, và bản sao viết tay của tài liệu này đã được họ Nguyễn Cảnh tặng cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm vào năm 1983.
Viết về một dòng họ với nhiều nhân vật tham gia vào diễn trình lịch sử của đất nước, góp phần nào làm nên lịch sử chung của cả một dân tộc, bởi vậy “Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện” được coi là nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp nhiều thông tin cụ thể, phong phú, có giá trị bổ sung cho nội dung các bộ sử chính thức viết về thời kỳ Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) và xứng đáng được xem như một cột mốc trên con đường phát triển của thể loại tiểu thuyết lịch sử.
Các nhà nghiên cứu trao đổi về cuốn sách. |
Nói về cuốn sách tại cuộc tọa đàm do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Omega Books Plus tổ chức, nhà báo Nguyễn Phan Khiêm cho rằng, tác phẩm có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn xuôi, là một gia phả nhưng cũng là một tác phẩm văn học. Ông nhận định: "Dù là một cuốn sử tư, nhưng cuốn sách bám sát vào những diễn biến lịch sử đất nước, thậm chí bổ sung cho chính sử. Về mặt ngôn ngữ nghệ thuật, tác phẩm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học và bình dân, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn với các tiểu thuyết chương hồi khác ở nước ta trong cùng thời kỳ"
Còn TS Phạm Văn Tuấn cho rằng tác phẩm “Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện” cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu gia phả hay di sản dòng họ, bởi cuốn sách này không chỉ kể về tiến trình phát triển của một dòng họ, mà còn góp phần thể hiện các sự kiện lớn của dân tộc, những biến cố của quốc gia trong gần 300 năm – những điều mà đại sử không thể ghi chép hết được.
Từ quan sát trong quá trình nghiên cứu của mình, TS Phạm Văn Tuấn đưa ra nhận định rằng, hiện nay nghiên cứu sử nước ta còn thiếu rất nhiều khía cạnh, nhất là sử địa phương, trong khi vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong nghiên cứu tư sử, vi sử hay di sản dòng họ bên cạnh gia phả như sắc phong, văn bia, hương ước... Các mảng sử liệu này cũng như di sản dòng họ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng không chỉ tăng vốn hiểu biết về gốc gác của mỗi cá nhân, mà lịch sử cá nhân, lịch sử dòng tộc còn là những nguồn tư liệu sinh động bổ sung vào những quãng thiếu của lịch sử quốc gia, dân tộc. Và “Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện” chính là một trong những mảnh còn thiếu đó.