Tiểu thuyết lịch sử: Bắt đầu từ những câu chuyện chung quanh mình

NDO -

NDĐT - Khi lựa chọn đề tài tiểu thuyết lịch sử, có thể tìm những câu chuyện ở ngay chung quanh mình, trong chính gia đình mình. Đó là những chia sẻ mà các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử của Đan Mạch chia sẻ với các độc giả Hà Nội.

Các nhà văn chia sẻ kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử của mình.
Các nhà văn chia sẻ kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử của mình.

Nana Gyldenkaenrne, nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu niên, là tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử “Mười sáu chị em gái” viết về một trại trẻ mồ côi ở Đan Mạch những năm 20 cho biết, những cuốn sách bà từng viết mang yếu tố lịch sử chủ yếu dựa trên những thông tin, lịch sử hoặc trải nghiệm của chính gia đình bà. Đề tài lịch sử thường bắt nguồn từ những câu chuyện đời thường gần gũi chung quanh ta. Bà nói: “Tôi thường sử dụng một thứ ngôn ngữ “phi thời gian” trong những cuốn sách của mình. Lựa chọn một ngôn ngữ khá êm dịu cùng là mong muốn để khán giả tưởng tượng được một câu chuyện nhẹ nhàng, thích hợp với độc giả trẻ”.

Sally Altschuler, tiểu thuyết gia người Đan Mạch gốc Ukraine, từng viết hai cuốn tiểu thuyết lịch sử dựa trên lịch sử gia đình gốc Do Thái của chính mình, chia sẻ: “Tiểu thuyết lịch sử không chỉ gắn với những câu chuyện nhỏ mà có thể gắn cả những câu chuyện lớn của thế giới với những câu chuyện nhỏ nào đó”.

Nhà văn Sally cũng cho biết, ông thường viết về những nhân vật cụ thể, như về người ông của mình. Ông cho biết: “Gia đình tôi vốn là người Do Thái, sống ở Ukraine, sau này mới chuyển sang Đan Mạch. Những gì thuộc về gia đình thân thuộc và nằm sâu trong trí nhớ của tôi, đến mức bây giờ tôi vẫn có thể vẽ lại rành mạch sơ đồ nơi ông bà tôi ở trước đây”. Những độc giả đầu tiên và chân thành nhất luôn là các thành viên trong gia đình nhà văn. Ông kể lại: “Gia đình tôi đều đọc các tác phẩm của tôi và có những phản ứng khác nhau với những điều tôi viết ra. Có những điều là đúng, nhưng cũng có những điều tôi tưởng tượng ra”.

Ông Nguyễn Huy Thắng, nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, chia sẻ ý kiến rằng một cuốn sách được coi là tiểu thuyết lịch sử khi người đọc coi nó là sách lịch sử hoặc cấu trúc của nó có tính chất lịch sử. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong đó phải thể hiện được tính chất, thời điểm lịch sử, đặc biệt là ngôn ngữ của nhân vật.

Đáp lại, nhà văn Sally cho rằng, ông luôn coi tác phẩm của mình là một tiểu thuyết mặc dù nó dựa trên các dữ kiện lịch sử. Các sự kiện và địa danh trong tiểu thuyết luôn dựa trên sự thật, bởi ông muốn tác phẩm của mình thể hiện lịch sử chân thật nhất có thể. Lịch sử là một điều đặc biệt, đó là một sự lựa chọn cho người viết có thể thể hiện theo cách mình muốn. Tuy nhiên, tác phẩm văn học lịch sử nằm trong khu vực văn học hư cấu chứ không phải là lịch sử.

Tove Krebs Lange, nữ họa sĩ kiêm nhà văn Đan Mạch cũng chia sẻ rằng, mỗi đối tượng bạn đọc sẽ có một các cảm nhận và nhận xét khác nhau về các tiểu thuyết lịch sử, dựa trên những trải nghiệm khác nhau của bản thân mình.

Chính vì những quan niệm đó nói chung, cho nên những đánh giá về sự chính xác hay không, về ngôn ngữ, cách thể hiện, hay các dữ kiện nói chung, đều không ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm. Nhà văn Nana cho biết: “Trong hiệp hội nhà văn ở Đan Mạch, chúng tôi thường đưa ra những lời khuyên cho nhau để tránh được những lời phê bình tệ”. Còn nhà văn Sally thì chia sẻ: “Ở Đan Mạch, chúng tôi thường rất vui mừng khi có ai đó viết về câu chuyện của chúng tôi, và khi viết ra, chúng tôi luôn chờ phản ứng từ phía người đọc thông qua các bài viết phê bình trên báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội”. Ông nói: “Khi sách bạn viết ra không ai đọc, không ai quan tâm, đó mới là điều đáng lo lắng”.