Những chuyển động của tiểu thuyết lịch sử

Những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đã có sức ảnh hưởng đáng kể trong đời sống văn học. Bên cạnh thế hệ nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Trần Thùy Mai, Lý Lan... đã xuất hiện một lực lượng mới, thế hệ 8x, 9x dành nhiều đam mê và bước đầu gặt hái được những thành tựu. Đó cũng là chủ đề thu hút nhiều ý kiến thảo luận trong một tọa đàm văn học vừa diễn ra.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải được biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, như: “Bão táp triều Trần”, “Tám triều vua Lý”. (Ảnh: qdnd.vn)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải được biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, như: “Bão táp triều Trần”, “Tám triều vua Lý”. (Ảnh: qdnd.vn)

“Tiểu thuyết lịch sử - những chuyển động” là chủ đề tọa đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuối tháng 8/2023. Hai diễn giả gồm nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Phùng Văn Khai - đại diện cho hai thế hệ người viết đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện về tiểu thuyết lịch sử.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải được biết đến với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, như: “Bão táp triều Trần”, “Tám triều vua Lý”. Trước những mối quan tâm của giới chuyên môn, bạn đọc về tiểu thuyết lịch sử, ông cho rằng có ba lối viết chính: viết theo chính sử, viết theo dã sử và viết ở góc nhìn trung lập của hai lối viết trên.

Cụ thể, tiểu thuyết dã sử kể không theo trình tự lịch sử mà theo lối kể của dân gian, tùy theo cảm xúc của người kể, có thể bồi đắp thêm vào những yếu tố khác. Nhà văn cho rằng, dã sử hoàn toàn không lép vế trước chính sử mà nó phụ thuộc vào tài năng tái tạo của nhà văn. Về dã sử, tác phẩm “Đôn Ki-hô-tê” của nhà văn vĩ đại Cervantes là một thí dụ tiêu biểu. Về chính sử, “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Lev Tolstoy là một đại diện.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh, nhà văn tài hoa sẽ là bậc thầy để giải mã lịch sử. Như vậy, với chính sử hay dã sử thì điều quan trọng là nhà văn có viết cho ra gương mặt của thời đại hay không. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Hư cấu có làm lệch chính sử không? Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, thiên chức của tác phẩm văn học là hư cấu và tư tưởng của các nhân vật lịch sử được tái hiện chân thực qua nhân vật hư cấu. “Đôn Ki-hô-tê” dù là nhân vật hư cấu, nhưng tư tưởng nhân vật và bối cảnh xã hội thì hoàn toàn chân thực.

Bàn về không khí viết tiểu thuyết lịch sử trong những năm gần đây, nhà văn Phùng Văn Khai ví von: không khí sáng tác đề tài lịch sử trong văn chương giống như không khí của... bóng đá. Đó là không khí mà ai cũng muốn được ra sân và hoàn toàn chủ động. Bên cạnh sự đồng tình với những chia sẻ của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Phùng Văn Khai muốn bổ sung thêm một lối viết tiểu thuyết lịch sử rất đang được quan tâm, đó là trường phái “võ hiệp”.

Dù lượng hư cấu trong các tác phẩm này là rất lớn nhưng cũng rất tôn trọng lịch sử. Qua đó, nhà văn cũng khẳng định, người viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là người yêu lịch sử, phải có kiến thức sâu rộng về giai đoạn lịch sử mà mình viết, nhân vật lịch sử mà mình viết, bối cảnh, đời sống, văn hóa, tư tưởng của thời đó...

Gần đây, có thể kể ra những nhà văn thế hệ 8x thành công với thể loại này, đoạt nhiều giải thưởng văn học, như: Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa...

Theo các nhà phê bình nhận định, có rất nhiều điều hấp dẫn mà tiểu thuyết lịch sử mời gọi người cầm bút, tuy nhiên, lựa chọn viết thể loại này cũng luôn là một lựa chọn dũng cảm. Bởi bên cạnh sự dồi dào của tư liệu lịch sử, sự thú vị của các nhân vật, sự hoành tráng của các triều đại... thì nhà văn phải đối mặt với việc làm sao để những gì đã có sẵn ấy dưới ngòi bút của mình sẽ trở nên lôi cuốn, sáng tạo mà không bị rơi vào thế “bóp méo lịch sử”.

Bên cạnh đó, viết tiểu thuyết lịch sử rất cần sự dấn thân, đam mê, bởi thời gian đã lùi xa, lịch sử luôn nhiều góc khuất, việc tìm về lịch sử để giải mã không dành cho những người hời hợt và tranh thủ những góc khuất để suy diễn. Góc khuất ấy với người viết đích thực sẽ là nơi để hư cấu, để kiến giải một cách có tư tưởng, có nghệ thuật, có văn hóa.

Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như bạn đọc xoay quanh các vấn đề: tác phẩm lịch sử nuôi dưỡng tình yêu nước; tiểu thuyết lịch sử trước tiên cần tôn trọng lịch sử, thời đại, dữ liệu và nhân vật; làm sao để sáng tác, hư cấu mà không xa lạ với lịch sử đã xảy ra...

Quan hệ gắn bó giữa văn chương và lịch sử luôn được khẳng định. Lịch sử cung cấp cho người viết cảm hứng không bao giờ vơi cạn để những tác phẩm xuất sắc sẽ làm cho lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn. Dù đã có rất nhiều nhà văn thử sức và ít nhiều tạo được dấu ấn, nhưng để nói thành công một cách đầy thuyết phục thì không phải ai cũng làm được.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận định vấn đề không ở câu chuyện tuổi tác hay kinh nghiệm và kỳ vọng: Người trẻ sinh sau năm 2000 vẫn có thể viết tiểu thuyết lịch sử, chỉ cần đủ tài năng và nhiệt huyết.