Tôi vẫn nhủ lòng, ở những nơi quanh năm nắng gió khắc nghiệt, mùa xuân vẫn bừng sắc xuân, vẫn hiện diện những bông hoa thắm. Nơi nào gian khó nơi đó có thanh niên. Các chiến sĩ là những bông hoa tươi thắm và quật cường, anh dũng nhất nơi đầu sóng ngọn gió. Từ các đảo chìm, đảo nổi, Nhà giàn DK1, đều hiện diện những gương mặt trẻ, mặt mũi nhám mồ hôi, vai áo ướt đầm đìa, nhưng vẫn nở nụ cười, hồn hậu thân thương.
Nhiều bạn trẻ đã mang trong mình tâm thế hồi hộp khi được vinh dự đặt chân lên những phần đất Tổ quốc ở giữa trùng khơi. Lòng người khi ấy đặt ra những câu hỏi, vì sao các chiến sĩ có thể kiên trung rèn luyện, chịu đựng được trong không gian bốn bề sóng nước như thế? Câu trả lời là: Tình yêu đất nước. Yêu đất nước nên “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”. Yêu đất nước nên nhiều chàng trai lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã xung phong ra đảo làm nhiệm vụ.
Mừng lắm và thân thương lắm, là hình ảnh vị nữ khách từ Hà Nội ra thăm đảo Đá Tây B, gặp chiến sĩ bằng tuổi con trai mình, trùng họ tên mà cứ nắm tay không rời để hỏi han. Có bị ốm, có nhớ nhà, nhớ người yêu? Đáp lại lời chị, chàng trai đặt tay phải lên ngực trái: Dạ, chúng con có Tổ quốc, đồng đội và trái tim nóng, chúng con vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
Chàng trai sinh năm 1995 Phùng Nhật Hoài, ở tỉnh Đồng Nai, người tình nguyện ra đảo Song Tử Tây công tác vì “trót đam mê và yêu biển đảo quê hương” nói rằng, cậu có anh trai Phùng Nhật Huy công tác ở đảo Trường Sa Lớn. Nhật Huy được thế hệ đi trước truyền trao tinh thần mà noi theo. Tinh thần ấy lại được gửi lại Nhật Hoài, và sẽ còn lan tỏa đến mãi muôn sau.
Làm nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca có rất nhiều lính trẻ. Gặp khách là cười tươi, nhiệt tình, chân thành nói về công việc, nhiệm vụ, ước mơ. Thượng úy Trần Quốc Hiệp, sinh năm 1990, có gương mặt điển trai, làm công tác hậu cần ở đảo Sơn Ca và rất yêu hoa. Hiệp bảo, hoa tô điểm đời sống tinh thần, hoa nói hộ lòng rất nhiều điều, ở gần hoa nên con người cũng được ảnh hưởng đức tính của hoa. Trước đây, Hiệp là sinh viên được tham gia hành trình “Vì biển đảo quê hương”. Ra đảo, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của các chiến sĩ nhưng họ luôn yêu đời, cất lên những bài ca vang dội trên mặt sóng, Hiệp luôn ấp ủ được cống hiến sức trẻ, góp phần nhỏ bé vào công việc bảo vệ biển, đảo quê hương. Tốt nghiệp năm 2012 và được điều động về Quân chủng Hải quân, Hiệp đăng ký nguyện vọng công tác tại Trường Sa. Năm 2015, Hiệp có mặt ở đảo Sinh Tồn và hơn một năm sau, được điều đến Sơn Ca. Hiệp thổ lộ, tình yêu Tổ quốc trong em đã được nuôi dưỡng và lớn dậy trong chuyến thăm đảo năm đó.
Tháng 6-2018, ở Trường Sa diễn ra sự kiện chuyển giao 5 năm làm nhiệm vụ dạy học nơi đầu sóng ngọn gió của những thầy giáo trẻ. Những thầy giáo “hết nhiệm kỳ” chia tay trong lưu luyến, và các thầy giáo trẻ mới ra vui vẻ đón nhận nhiệm vụ. Người chưa kịp về đã thấy nhớ. Người vừa ra đã thấy thân thương, gần gũi lắm nơi này. Thầy giáo Phạm Trung Việt, khi tạm biệt quần đảo, trở về đất liền, xúc động chia sẻ: “Những ngày dạy học ở Trường Sa đã rèn luyện cho tôi tinh thần tự lực. Ở đây, chỉ 5 năm, nhưng đối với tôi đó là những năm tháng đẹp nhất trong đời dạy học…”.
Tổ quốc có nhiều chàng trai như thế! Đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm hậu cần Quân chủng Hải quân, từng thốt lên: Đất nước có cả rừng hoa như thế! Họ là những đóa hoa lặng lẽ, tình nguyện tỏa hương. Suốt bao năm qua, lớp lớp thanh niên đã lên đường làm nhiệm vụ, đã hiến mình cho Tổ quốc, dâng sức trẻ cho những đảo nổi, đảo chìm, sẵn sàng dâng hiến xương máu, tuổi thanh xuân để canh giữ đất trời.
Xuân đến, hơi xuân bén vào chân sóng, mỏ neo, bừng lên trên cả những ngọn hải đăng, làm rộn rã hơn tinh thần người chiến sĩ. Những bài báo tường được các chiến sĩ viết trong niềm tin yêu vững chắc. Thơ và cả những câu ca “cây nhà lá vườn” tiếp tục được thắp lên đầu sóng. Trong cảm hứng được gợi mở nơi biển đảo linh thiêng, không ít nghệ sĩ đến với Trường Sa, cảm mến sự bền bỉ, gan dạ của người chiến sĩ, đã thắp sáng tình yêu nước bằng những tác phẩm nghệ thuật. Rồi chính những tác phẩm ấy lại trở thành những đóa hoa, những cột mốc chủ quyền bằng nghệ thuật, nối đất liền với Trường Sa, khắc vào niềm thân thương gợi nhắc và xúc động trong triệu triệu trái tim người Việt Nam.