Truyền thuyết dân gian đã tạo nên màu sắc tâm linh và sức hút cho vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
1. Tôi làm một hành trình xuyên qua vùng Bảy Núi, địa danh mang tính tiêu biểu nhất của quần thể núi ở Thất Sơn. Thực ra, vùng này có 37 ngọn núi lớn, nhỏ, trải dọc theo tuyến biên giới Tây Nam và đi qua bốn huyện, thành phố: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và Châu Đốc. Đây là một quần thể núi có một không hai ở đồng bằng châu thổ Cửu Long. Theo nhiều tài liệu cổ, bảy ngọn núi tiêu biểu cho vùng này gồm: Thiên Cấm sơn (Núi Cấm), Phụng Hoàng sơn (núi Cô Tô), Ngọa Long sơn (Núi Dài lớn), Ngũ Hồ sơn (Núi dài Năm giếng), Anh Vũ sơn (Núi Két), Liên Hoa sơn (Núi Tượng) và Thủy Đài sơn (Núi nước). Tuy vậy, chỉ có Núi Sam ở TP Châu Đốc và Núi Cấm ở huyện Tịnh Biên trở thành điểm đến du lịch hành hương - tâm linh nổi tiếng nhất vùng và cả nước.
Núi Sam, thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cao sừng sững, nằm sát trung tâm Châu Đốc, thế tựa lưng cho thành phố ven biên thêm vững chãi. Dọc theo các lối mòn lên đỉnh núi có khoảng 200 ngôi chùa lớn nhỏ, nằm xen giữa các khe đá, tán rừng, tấp nập khách hành hương. Đặc biệt, tại Khu du lịch Núi Sam có Miếu bà Chúa xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An cổ tự và Phước Điền tự (còn gọi là chùa Hang) tạo nên một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh vô cùng độc đáo. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, hồi tháng 7-2018, Khu du lịch Núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch cấp quốc gia, tọa lạc tại phường Núi Sam, có tổng diện tích 1.487 ha. Theo mục tiêu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh của TP Châu Đốc và các điểm đến du lịch lân cận, trở thành điểm đến quan trọng của cả nước.
Vượt qua những lối mòn rợp bóng mát lên đỉnh Núi Sam để viếng nơi bà Chúa xứ ngự khi xưa. Nơi đây vẫn còn một bệ đá khá lớn, được dựng lên một ngôi miếu và đặt bàn hương cho khách hành hương viếng. Sau khi lên đến đỉnh, thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời từ đỉnh núi, du khách lại xuống núi, viếng lăng Thoại Ngọc Hầu, danh tướng nhà Nguyễn có công chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi Tây Nam và đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc, tỉnh An Giang qua tận Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Cách đó không xa là chùa Hang có kiến trúc rất đẹp và độc đáo, được xây dựng trên các vách đá cheo leo. Tuy nhiên, điểm đến chính và thu hút khoảng năm triệu lượt khách hành hương mỗi năm là miếu bà Chúa xứ nằm ngay chân núi.
Thời điểm chính lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam được bắt đầu từ đêm 23 đến 27-4 âm lịch. Những dòng người từ khắp mọi miền đất nước đổ về miếu bà Chúa xứ Núi Sam đông kín như nêm. “Vào khuya 23, rạng sáng 24-4, lễ tắm Bà được tiến hành theo nghi thức trang trọng. Tượng bà Chúa xứ có độ cao 1,6 m bằng đá son, gương mặt phúc hậu của một người phụ nữ Nam Bộ ngồi ngay trên bệ cao giữa miếu, sẽ được lau bằng nước thơm, thay y phục mới. Còn y phục cũ sẽ cắt nhỏ và phát cho khách trảy hội như một hình thức cầu an, may mắn và tài lộc. Những ngày này có rất nhiều khách hành hương mua áo mão để dâng cúng bà và sẽ được cho bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên. Người nào được chọn dâng áo mới thay cho bà trong đêm chính lễ sẽ được ban phúc lành và may mắn cả năm”, bà Kim Xuyến, một khách hành hương ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên đến miếu bà Chúa xứ, quả quyết.
Mặc dù vậy, khách du lịch đến với miếu bà Chúa xứ Núi Sam quanh năm, chứ không chỉ có mùa lễ hội, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật. Miếu bà Chúa xứ mở cửa cả đêm cho khách hành hương từ phương xa đến viếng. Du khách giờ không còn lo sợ bị chèo kéo, giựt dọc hay lừa bán chim phóng sinh và các trò mê tín dị đoan như dạo trước. Chốn thờ tự ngày càng tôn nghiêm và thu hút đông đảo du khách đến với nơi này.
2. Từ Núi Sam theo hướng quốc lộ 91 đến thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên rồi rẽ theo tỉnh lộ 948 đến Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Địa danh Thất Sơn (Bảy Núi) gợi một vẻ kỳ bí và huyễn hoặc. Trong đó, Núi Cấm là nơi phát tích nhiều truyền thuyết về các đạo sĩ, những nhà yêu nước sống ẩn dật nuôi chí làm nên nghiệp lớn. Đây cũng là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn ở độ cao với 716 m so với mặt nước biển, nên được xem là “nóc nhà” của miền Tây Nam Bộ. Ngay dưới chân núi là Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm rộng khoảng 100 ha, có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp mắt.
Ngày nay, Núi Cấm được tỉnh An Giang mời gọi đầu tư phát triển du lịch nên có thêm nhiều dịch vụ, điểm đến lý thú, phục vụ khách tham quan. Ngay dưới chân núi là những khu resort, khách sạn, nhà nghỉ đủ sức phục vụ hàng nghìn lượt khách/ngày. Công ty cổ phần phát triển Du lịch An Giang còn đầu tư một tuyến cáp treo dài 3,5 km từ dưới chân lên đỉnh núi, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng (chưa tính giá trị thuê đất). Tuyến cáp treo này có 89 ca-bin, vận chuyển 2.000 lượt khách/ngày. Đường cáp treo đi xuyên ngang cánh rừng hoang sơ và hồ chứa nước Thanh Long, rồi thẳng lên ga đến ở vồ Ong Bướm. Khi lên tới đỉnh núi, tầm mắt du khách bỗng chạm vào mầu xanh của hồ Thủy Liêm nằm trong thung lũng giữa lòng núi. Trên hồ có chiếc cầu đỏ dành cho khách tản bộ và ngắm nhìn những đàn cá chép phóng sinh thi nhau đớp mồi trên mặt nước. Tuy chưa phải là nơi cao nhất của Núi Cấm, nhưng quanh hồ Thủy Liêm là các điểm tham quan, hành hương hấp dẫn và độc đáo. Nhất là tượng Phật Di Lặc ngồi, cao 33,6 m, tọa trên một đỉnh đồi cao hơn 500 m so với mực nước biển, được xác lập kỷ lục cao nhất Đông - Nam Á. Tượng Di Lặc ngồi ở vị trí trung tâm, còn hai bên trái, phải là chùa Vạn Linh và Thiền viện Chùa Phật Lớn. Đây là những ngôi chùa được khách hành hương tin là rất linh thiêng ở ngọn núi cao nhất miền tây này.
Cũng thật thú vị nếu quyết định ở lại một đêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Trăng vẫn sáng vằng vặc nhưng gió lạnh thổi mạnh hơn. Dạo bước ngắm trăng lung linh trên mặt hồ Thủy Liêm, ngắm núi lẫn trong màn sương huyền ảo. Giữa bồng bềnh mây gió và ngàn sao, thỉnh thoảng, tiếng chuông chùa lại ngân vang vọng vào vách núi rồi im bặt giữa thinh không...