“Hoa hồng, chiết khấu” thấp, nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng bán

Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu phản ánh gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh do mức chiết khấu thấp, khan hiếm nguồn cung,... thậm chí “lỗ”. Một số doanh nghiệp đã báo cáo Sở Công thương địa phương xin tạm nghỉ, dừng hoạt động đã gây hoang mang dư luận. Do đó, các lực lượng chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân cũng như có giải pháp xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua xăng dầu tại cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội).
Người dân mua xăng dầu tại cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội).

Khảo sát tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như đường Láng, Xuân Thủy, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi,... cho thấy, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường, không xuất hiện cửa hàng, doanh nghiệp tạm nghỉ, dừng hoạt động như phản ánh. Phần lớn các cửa hàng khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và phục vụ tối đa nhu cầu của người dân,...

Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”

Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Ô-tô vận tải Hà Tây (đơn vị quản lý cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên phố Trần Phú-quận Hà Đông) Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, do diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu thế giới khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, với mức chiết khấu (tiền hoa hồng) vào khoảng 90 đồng/lít xăng đối với vùng I như hiện nay đã đẩy các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vào tình trạng “khó chồng khó”, thu không đủ chi cho các khoản chi phí vận chuyển, kho bãi,... Muốn hòa vốn, bắt buộc mức chiết khấu phải đạt ở mức từ 700 đến 800 đồng/lít, còn trên 800 đồng/lít xăng, lúc đó doanh nghiệp mới có lãi. Do kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9 tới đây trùng vào dịp nghỉ lễ, Tết nên phải lùi tới ngày 5/9 mới điều chỉnh. Khi đó, doanh nghiệp tiếp tục phải “gánh” khoản lỗ không nhỏ trong những ngày chậm điều chỉnh này.

Cũng theo bà Mỹ, chỉ tính riêng ba kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 8, doanh nghiệp bị lỗ gần 600 triệu đồng. Nếu tình hình này không sớm được cải thiện, doanh nghiệp phải đối diện rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Tương tự, đại diện cửa hàng kinh doanh xăng dầu Vạn Thuận (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) khẳng định, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp; nhìn lượng người xếp hàng vào đổ xăng dầu mà đơn vị như “ngồi trên đống lửa”, vì đóng cửa không được nhưng càng bán lại càng lỗ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có mức chiết khấu hoa hồng hợp lý nhằm ổn định kinh doanh, phục vụ thị trường.

Tại diễn đàn xăng dầu của chủ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng đưa tin, do mức chiết khấu thấp, thậm chí xuống 0 đồng, dẫn đến càng kinh doanh càng thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã báo cáo Sở Công thương địa phương xin tạm nghỉ, dừng hoạt động với nhiều lý do như làm vệ sinh, thau rửa bồn bể,... để “cắt lỗ” đồng thời cũng là “chiêu trò” nhằm “lách luật” tránh bị kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng. Ngoài ra, một số diễn đàn xăng dầu cũng cho biết khu vực phía nam đang thiếu nguồn cung, dự báo dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới, người dân đối diện nguy cơ không có xăng dầu chạy do cửa hàng kinh doanh xăng dầu không mua được hàng,...

Thực tế cho thấy, mức chiết khấu thấp từ nhà phân phối tính cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không chỉ diễn ra mới đây mà ngay từ những ngày đầu tháng 8 đã có không ít doanh nghiệp phản ánh về vấn đề này. Cụ thể, Công ty cổ phần hóa dầu quân đội Mipec, chiết khấu cho xăng Ron 95 III là 450 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 mức 400 đồng/lít, dầu đi-ê-den 500 đồng/lít. Công ty cổ phần xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S thông báo mức chiết khấu với xăng Ron 95 III là 450 đồng/lít, E5 Ron 92 là 400 đồng/lít, dầu đi-ê-den 550 đồng/lít,...

Chủ động nguồn hàng

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Nhà nước điều hành giá xăng dầu theo cơ chế đưa ra mức giá cơ sở từ giá thế giới sau khi cộng các khoản thuế phí; doanh nghiệp đầu mối có thể tính toán với nhà phân phối, đại lý để có mức giá phù hợp. Nhà nước không thể can thiệp đến mức phân lợi nhuận cho đại lý được. Trong kinh doanh, ai cũng tính đến lợi nhuận, việc bảo đảm lợi ích hài hòa, khi có lãi cao, khi thấp là rất bình thường. Điều này liên quan trực tiếp đến thỏa thuận về mức chiết khấu giữa các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Liên quan tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Bùi Ngọc Bảo cho rằng, hiện tượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu phản ánh lỗ nặng chủ yếu do quan hệ giữa đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng liên quan tới vấn đề chiết khấu.

Năm nay tương đối dị biệt, khi thị trường, giá cả diễn biến phức tạp, lúc lên lúc xuống khó đoán định khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lúc lỗ, lúc lãi. Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới đây trùng dịp nghỉ lễ 2/9 nên có thể tới 5/9 mới điều chỉnh, lúc này, thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh lên tới 15 ngày. Do đó, giá dầu thế giới tăng cao, cộng thêm chu kỳ điều chỉnh kéo dài, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp đối diện khó khăn, thua lỗ. Chính vì vậy, liên Bộ Công thương-Tài chính sớm xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm phần điều chỉnh chiết khấu, đủ bù đắp chi phí kinh doanh.

Trả lời thông tin phản ánh về tình trạng khan hiếm nguồn cung tại cuộc họp “Bảo đảm nguồn cung xăng dầu” diễn ra ngày 26/8, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam không thiếu nguồn cung bởi hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu nội địa, còn lại là nhập khẩu.

Số liệu báo cáo cho thấy, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy này trong quý III/2022 đạt khoảng 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) và quý IV/2022, đạt khoảng 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng). Hiện hai nhà máy đang vận hành ở công suất tối đa, sẵn sàng cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

Mặt khác, ngay từ tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp nhập khẩu phần xăng dầu còn thiếu hụt nhằm bảo đảm nhu cầu thị trường. Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới, cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung. Giá xăng dầu cũng cơ bản giữ được mức ổn định và luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Vì vậy, có thông tin phản ánh khan hiếm nguồn cung là hiện tượng không bình thường, cần kiểm tra và xử lý.

Tại cuộc họp, đại diện các Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng,... cũng khẳng định, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân trên địa bàn vẫn bảo đảm nguồn hàng; không có hiện tượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, dừng hoạt động vì khan hiếm.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian gần đây, đặc biệt sau khi một số doanh nghiệp buộc phải tạm đình chỉ xuất, nhập khẩu xăng dầu, xuất hiện những thông tin như vậy là không bình thường. Việc tạm đình chỉ hoạt động nhập khẩu của bảy doanh nghiệp vi phạm không ảnh hưởng tới nguồn cung. Ngoài ra, ngày 25/8, Bộ Công thương cũng có văn bản gửi các Sở Công thương tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu, đề nghị bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm.