Hòa Bình: Bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

NDO - Ngày 16/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tại hội nghị.
Các đại biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính và đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm, giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính…. nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, ảnh hưởng tới công tác thu hút đầu tư.

Hòa Bình: Bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bùi Văn Khánh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh và các chỉ số thành phần PCI; tập trung bàn và đưa ra các giải pháp, chia sẻ để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Tính đến tháng 7/2023, tổng hợp các chỉ số thành phần tỉnh Hòa Bình đạt 81,38 điểm, xếp thứ 2 cả nước. Trong đó kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 72,5% vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ quy định 15%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 74,35%. Cấp bản điện tử về kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 44,17%. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp trong ngày, trường hợp phức tạp không quá 2 ngày. 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế điện tử. Thời gian cấp phép xây dựng tại tỉnh trung bình 14 ngày. Thời gian thẩm định thiết kế của dự án, thẩm định phòng cháy chữa cháy thời gian thực hiện sớm hơn thời gian so với quy định tối thiểu là 30%....

Với những nỗ lực trên, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Mặc dù trong bối cảnh rất khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hòa Bình thu hút được 21 dự án, với vốn đăng ký khoảng 9.339 tỷ đồng. Lũy kế tới nay toàn tỉnh có 736 dự án, trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 608 triệu USD và 699 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 189 nghìn tỷ đồng; thành lập mới 213 doanh nghiệp, số vốn đăng ký khoảng 2.222 tỷ đồng.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa thực sự bứt phá, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; thủ tục hành chính còn phức tạp; một số quy hoạch còn chồng chéo; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng khu công nghiệp chậm được đầu tư; công tác phối hợp giữa các cơ quan còn chưa kịp thời...

Hội nghị đã thẳng thắn đưa ra những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp của các đại biểu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các ý kiến có nội dung cụ thể, thiết thực, góp phần thúc đẩy các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.