Long An triển khai nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính

NDO - Ngày 11/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số xanh (PGI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 và triển khai các giải pháp thực hiện năm 3023.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Trương Văn Liếp cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Long An trong năm 2022 đứng vị trí thứ 10 trong cả nước nhưng tỉnh vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022 của Long An thì vẫn còn 5 chỉ số thành phần giảm điểm đó là: Chỉ số gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Chỉ số xanh (PGI) của Long An xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, và xếp thứ 1/13 các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong năm 2022 của Long An chỉ đạt 39,8/80 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyên nhân là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đúng mức đến chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Công tác giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Ban Thanh tra nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức. Sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ, còn trễ hạn, kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần.

Một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn còn có mặt hạn chế; việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân chưa thực hiện tốt.

Để hoàn thành tốt Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội cần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính; trong đó, tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nhất quán quan điểm “xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đã nêu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu và gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, Long An đang đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023 và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị phải quán triệt tư tưởng tiến công, quyết tâm, quyết liệt, làm việc với năng suất gấp nhiều lần so với bình thường, để thực hiện tốt các chỉ đạo của tỉnh, làm cho công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt nhất là góp phần nâng tầm vị thế, vai trò và cải thiện môi trường đầu tư của Long An.