ThS,BS Nguyễn Quốc Thái, Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là một bệnh nhân nam, 46 tuổi, đang ngủ thì đột ngột trợn mắt, gồng cứng người, sùi bọt mép, mất ý thức.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam và kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình của động mạch não giữa bên phải.
Theo y văn, sau vỡ túi phình thì nguy cơ vỡ tái phát khá cao, từ 8-23% trong 72 giờ đầu. Hậu quả vỡ tái phát rất nặng với tỷ lệ tử vong lên đến 60%.
Nhận định đây là một ca bệnh khó và cần phải xử lý can thiệp cấp cứu, ê-kíp can thiệp đã liên hệ và yêu cầu sự hỗ trợ về chuyên môn từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bước hỗ trợ được tiến hành ngay lập tức dưới hình thức hội chẩn trực tuyến.
Tại đầu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy là các chuyên gia can thiệp thần kinh của Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy do PGS,TS Lê Văn Phước (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh) và BS CK2 Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn (Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh) chủ trì cuộc hội chẩn.
Còn tại đầu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, dưới sự chỉ đạo của BS CK2 Phạm Ngọc Ẩn (Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam), ThS,BS Nguyễn Quốc Thái cùng ê-kíp đã tiến hành can thiệp nội mạch tắc túi phình dưới sự hỗ trợ trực tuyến của các chuyên gia ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ đã trao đổi liên tục với trong suốt quá trình can thiệp, từ việc lựa chọn dụng cụ, lựa chọn vật liệu cho đến việc xử lý các vấn đề, các kỹ thuật khó…
Kết quả, sau hơn một giờ đồng hồ thủ thuật, các bác sĩ đã can thiệp thành công, túi phình đã được nút tắc hoàn toàn.
ThS,BS Nguyễn Quốc Thái cho biết, sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, trả lời đúng y lệnh, không yếu liệt, giảm đau đầu và bệnh nhân đang hồi phục tốt.
Được biết, từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thường xuyên cử các đoàn chuyên gia đến hỗ trợ về chuyên môn, chuyển giao các kỹ thuật điều trị hiện đại cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam. Và đây là lần đầu tiên, một ca can thiệp nội mạch về thần kinh cấp cứu được tiến hành bằng cuộc hội chẩn trực tuyến giữa hai bệnh viện, rất kịp thời và thành công, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hội chẩn, tư vấn điều trị bệnh từ xa, như qua hệ thống Telehealth, giúp các bệnh viện tuyến trước có thể xử lý kịp thời các trường hợp bệnh cấp cứu khó và khẩn cấp, nhờ sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến sau. Đó là những sự hỗ trợ rất quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.